Thứ năm, 09/04/2020 14:09

Robot hỗ trợ y tế trong các khu vực cách ly phòng chống dịch COVID-19

Ngày 7/4/2020, Tổ chuyên gia do Bộ trưởng Bộ KH&CN thành lập đã họp đánh giá kết quả giai đoạn 1 nghiên cứu, chế tạo hệ thống robot hỗ trợ y tế với tỷ lệ 100% thành viên đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho phép sử dụng tại các cơ sở cách ly phòng chống dịch COVID-19. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) sau 2 tuần Bộ KH&CN đặt hàng. Hệ thống robot hỗ trợ y tế này có các tính năng hiện đại theo mẫu robot TUG của hãng Aethon (Mỹ), có thể hoạt động theo nhóm trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế các công việc phục vụ, chăm sóc bệnh nhân và người nghi nhiễm.
Với sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu trẻ thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng), chỉ sau 2 tuần đặt hàng của Bộ KH&CN, robot mang tên Vibot phiên bản 1a (Vibot-1a) đã được chế tạo và có thể thuần thục đảm nhận nhiệm vụ phục vụ phòng chống dịch COVID-19 như: tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… từ ngoài vào các buồng bệnh; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt... từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Các Vibot-1a được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100 kg. Mọi hoạt động của Vibot-1a được giám sát, điều khiển bởi Trung tâm điều hành, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết.
Vibot-1a sử dụng kỹ thuật dẫn đường bằng vạch từ và định vị bằng thẻ nhận dạng tuy đơn giản nhưng có độ tin cậy cao, cho phép robot tự di chuyển trong khu vực cách ly để thực hiện các nhiệm vụ. Vibot-1a có khả năng phát hiện và tránh va chạm vật cản nhờ các cảm biến trang bị ở phía trước và phía sau. Với khối nguồn pin công suất lớn và trạm sạc tự động, Vibot-1a có thể làm việc liên tục 12 giờ và tự động tìm về trạm để sạc khi cạn nguồn. Hiện nay, Vibot-1a đã được lắp đặt, chạy thử nghiệm tại môi trường thực tế và nhận được phản hồi tốt tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội (nơi được quy hoạch để cách ly, điều trị các bệnh nhân Covid-19 khi dịch bùng phát).
Đại diện Học viện Kỹ thuật Quân sự giới thiệu Vibot-1a với các bác sỹ của Bệnh viện Bắc Thăng Long
Trong quá trình vận chuyển, Vibot-1a có thể phát nhạc, phát bản tin giải trí, có thể phát ra nhiều âm thanh như "xin tránh đường", "xin cảm ơn", "tạm biệt". Đặc biệt, các bác sỹ có thể tương tác với bệnh nhân thông qua hệ thống đường truyền được thiết lập riêng, có camera gắn trực tiếp trên robot với chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt. Nhờ đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo. Mọi hoạt động của Hệ thống robot được giám sát, điều khiển bởi Trung tâm điều hành, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết. Qua tính toán ban đầu, mỗi robot có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế. Ngoài việc giảm rủi ro lây nhiễm, việc sử dụng robot còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng được tốt hơn.
Với các tính năng ưu việt của mình, robot do Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu, chế tạo còn có thể được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và đời sống, phục vụ tại các tòa nhà, kho hàng tự động hoặc các phân xưởng sản xuất và các môi trường đặc biệt khác để hỗ trợ vận chuyển theo yêu cầu.
Theo đánh giá của Tổ chuyên gia do Bộ trưởng Bộ KH&CN thành lập thì việc nghiên cứu, chế tạo robot của các nhà khoa học thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là hình thành sản phẩm để phục vụ cho khu cách ly nên công nghệ mới chỉ ở mức vừa phải, nghĩa là mới chỉ là robot tự hành. Giai đoạn hai sẽ tiếp cận với trình độ cao hơn, đó là robot thông minh, việc di chuyển không phụ thuộc vào vạch chỉ đường mà phải theo bản đồ nạp sẵn hoặc robot tự xây dựng được bản đồ hoạt động của mình. Sau này robot không phải hoạt động một con mà hoạt động theo một nhóm robot, lúc đó trung tâm điều khiển phải điều khiển được cả một nhóm robot, các robot có thể tương tác với nhau mà không phụ thuộc vào trung tâm điều khiển…
Bệnh nhân có thể tương tác với bác sỹ thông qua hệ thống đường truyền được gắn trên robot
Có thể nói, đây là thành công quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam, cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung, Bộ KH&CN và các đơn vị có liên quan đến nghiên cứu nói riêng trước những vấn đề đặt ra từ cuộc sống.
PV
 
 
 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)