TS Phạm Công Thiếu phát biểu tại Hội nghị
Theo TS Phạm Công Thiếu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi (cơ quan chủ trì dự án phía Việt Nam), Dự án đã thực hiện khảo sát lợn bản địa Việt Nam tại 22 tỉnh và thiết lập cơ sở dữ liệu gồm các nhận dạng, phân loại, đặc tính; thực hiện bảo quản lạnh tinh trùng của các giống được chọn và thiết lập một hệ thống ngân hàng tinh trùng đông lạnh. Đồng thời, tiến hành một số nghiên cứu để sản xuất phôi trong ống nghiệm, đông lạnh tế bào trứng và phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa, chuyển nhân tế bào soma và cấy chuyển phôi và hợp tử. Các công nghệ cơ bản để phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, cải thiện việc nuôi, quản lý chăn nuôi đã được phổ biến cho người chăn nuôi lợn bản địa ở tỉnh Hòa Bình nhằm tăng năng suất lợn bản địa. Trong bối cảnh có nhiều dịch bệnh của lợn lây lan ở châu Á, việc bảo tồn các giống lợn bản địa là một nhiệm vụ cấp bách trên quan điểm đa dạng sinh họ và là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết Dự án diễn ra ngày 3/3/2020 tại Hà Nội, GS Kazuhiro KIKUCHI - Cố vấn Trưởng Dự án nhấn mạnh, dự án đã được thực hiện thành công với nhiều phát hiện mới. Cụ thể, lợn bản địa Việt Nam chịu được điều kiện chăn nuôi kém (vì chúng có thể sống bằng thức ăn sống) nhưng thịt lại rất ngon - điều này rất quan trọng về mặt thực phẩm, vì nó làm tăng cơ hội xây dựng thương hiệu thịt lợn bản địa. Bên cạnh đó, nhiều giống lợn bản địa của Việt Nam có kích thước nhỏ (lợn nhỏ, trọng lượng chỉ 40-50 kg), có thể được dùng phục vụ mục đích y học, tạo ra nhu cầu tiềm năng và cơ hội thương mại trong tương lai.
CT