Phát triển điện mặt trời đang được xem là giải pháp quan trọng nhằm cắt giảm phát triển các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam.
Báo cáo do Quỹ Hạ tầng toàn cầu (GIF) và Chương trình Hỗ trợ quản lý ngành năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB-ESMAP) tài trợ. Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang cân nhắc chuyển từ chính sách giá bán điện mặt trời ưu đãi cố định (FIT) sang đấu thầu cạnh tranh cho các dự án điện mặt trời để giảm chi phí sản xuất điện. Trong những năm gần đây, FIT đã thành công trong việc thúc đẩy triển khai nhanh các dự án trong bối cảnh Việt Nam cũng trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, thành công này cũng làm phát sinh những vấn đề mới, trong đó có rủi ro giảm phát - hiện tượng các dự án điện mặt trời phải hoạt động dưới công suất phát điện lắp đặt.
Báo cáo ước tính tăng công suất điện mặt trời ở Việt Nam có thể tạo ra khoảng 25.000 việc làm mới mỗi năm trong lĩnh vực phát triển dự án, dịch vụ, vận hành và bảo trì cho tới năm 2030 và 20.000 việc làm khác trong lĩnh vực sản xuất nếu Việt Nam duy trì được thị phần hiện tại của mình trong thị trường thiết bị điện mặt trời toàn cầu.
Ngoài các cách tiếp cận mới về đấu thầu cạnh tranh, báo cáo cũng khuyến nghị cần đặt ra mục tiêu triển khai điện mặt trời hàng năm và trong trung hạn đồng thời sửa đổi khung pháp lý liên quan đến các quy định về lựa chọn cạnh tranh các đơn vị sản xuất điện độc lập.
Thống kê cho thấy, nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam lập quy hoạch phát triển các dự án điện mặt trời; đồng thời hỗ trợ kỹ thuật từ lập bản đồ năng lượng mặt trời đến tư vấn chiến lược về huy động đầu tư tư nhân vào các dự án điện mặt trời quy mô lớn, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Phong Vũ