Ông Đỗ Quốc Khánh (Trưởng Ban Khoa giáo) cho biết: Ban Khoa giáo là đơn vị tổ chức chủ trì nhiệm vụ truyền thông nhằm quảng bá các điển hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp thuộc Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) của Bộ Khoa học và Công nghệ. Thực hiện nhiệm vụ, Ban Khoa giáo đã thực hiện truyền thông các startup điển hình trong các lĩnh vực: fintech, logistic và smart city... trên nhiều nền tảng như truyền hình, báo in, báo điện tử và mạng xã hội.
Đánh giá vai trò của truyền thông đối với phong trào khởi nghiệp, ông Lê Anh Tiến (CEO Công ty TNHH Chatbot Việt Nam) cho biết, công ty ông cũng như nhiều startup đã được hỗ trợ rất nhiều về truyền thông khi tham gia các hoạt động thuộc Đề án 844. Đây là cơ hội rất tốt để các startup bứt phá, vươn lên trong giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Không chỉ được truyền thông miễn phí giúp rút ngắn quãng đường đưa sản phẩm ra thị trường, các hoạt động từ Đề án như Techfest Vietnam, các cuộc thi, hội thảo... còn giúp các startup kế nối được với các nhà đầu tư, đối tác khách hàng.
Hầu hết các ý kiến tại Hội thảo đều đồng tình với quan điểm của ông Lê Anh Tiến. Tuy nhiên, ông Nguyễn Vĩnh Thụy (Giám đốc vận hành Công ty cổ phần Xeca Việt Nam) lưu ý thêm: truyền thông luôn là một công cụ rất hiệu quả trong việc đưa sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận với thị trường, khách hàng và từng bước xây dựng thương hiệu, song nó cũng sẽ khiến startup “chết nhanh hơn” nếu startup không có sản phẩm tốt và quảng bá sản phẩm không trung thực.
MN