Nhằm tạo một môi trường khuyến khích, động viên, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo, hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các huyên gia trong và ngoài nước Dự thảo trình UBND Thành phố ban hành 02 Đề án về Khởi nghiệp.
Đề án thứ nhất mang tên “Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố” tập trung vào các đối tượng là cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, trong đó lấy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp là đối tượng trọng tâm của Đề án. Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có Hà Nội 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Đề án thứ 2 là “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Dự kiến Đề án này sẽ ban hành và triển khai thực hiện vào quý I/2018.
Đây là hai đề án quan trọng nhằm góp phần phấn đấu đến năm 2020 thành phố Hà Nội hoàn thành mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu, trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo của cả nước và thành lập mới được 200.000 doanh nghiệp.
Năm 2017, Hà Nội đã có nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, để cụ thể hoá các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, trong năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KH&CN), Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động phát triển thị trường KH&CN, phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp KH&CN, đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp.
Cụ thể, Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường KHCN thông qua tổ chức hiệu quả Chợ Công nghệ và thiết bị với 4 kỳ từ năm 2012 cho đến nay; duy trì và phát triển Chợ công nghệ và thiết bị trên mạng (Techmart Online) hiệu quả; tổ chức các Hội nghị 3 Nhà (Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp), 4 Nhà (Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà đầu tư…
Hà Nội đã có 54 doanh nghiệp/tập đoàn thành lập Quỹ phát triển KH&CN; thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Từ năm 2015, Hà Nội đã được cấp 75 bằng sáng chế, 92 giải pháp hữu ích, 430 kiểu dáng công nghiệp, 8.570 nhãn hiệu hàng hóa,...
Về lĩnh vực nông nghiệp, thành phố tập trung tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao và yêu cầu mỗi địa phương phải xây dựng ít nhất một mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình điểm đã bước đầu mang lại những tín hiệu khả quan, từng bước tạo ra cách thức sản xuất mới, hiện đại, hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay có 37 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố. Đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp nông nghiệp thanh gia các hoạt động này, nhiều doanh nghiệp đã và đang được thụ hưởng các ưu đãi từ các chính sách hỗ trợ Thành phố đang triển khai.
Bảo Bình (VietQ.vn)
http://vietq.vn/ha-noi-nhieu-dot-pha-trong-ho-tro-doanh-nghiep-khoi-nghiep-sang-tao-d137022.html