Thứ hai, 13/11/2017 03:53

Hệ sinh thái khởi nghiệp đã có, nhưng chưa hiệu quả!

Do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp vẫn đang hoạt động rời rạc mà chưa có sự gắn kết, thiếu các cơ chế để huy động và phát triển các tiềm năng của hệ sinh thái…

 

Đây là nhận định của ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tại Diễn đàn Khởi nghiệp lần thứ III với chủ đề "Hệ sinh thái Khởi nghiệp: mô hình và hiệu quả thực tiễn", ngày 09/11/2017.

Các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đã đầy đủ

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Văn Tùng cho biết, hiện tại, các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã đầy đủ và đang hỗ trợ tích cực cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cụ thể, về hoạt động hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam. Hoạt động hỗ trợ phát triển năng lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng rất năng động với khoảng 20 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập.

alt

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại diễn đàn

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hình thành được một số mạng lưới cố vấn hỗ trợ đổi mới sáng tạo, như: Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs Mentoring Network), Tổ chức SECO (Thụy Sĩ), Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP). Các hoạt động khác nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, quốc tế và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp cũng đang diễn ra rất sôi nổi.

Còn theo TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, trong 2 năm qua các hoạt động khởi nghiệp ở nước ta đã có nhiều khởi sắc. Điều này thể hiện rõ quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Đảng trong việc xây dựng môi trường thuận lợi, nhằm tạo làn sóng khởi nghiệp cùng tinh thần doanh nhân mạnh mẽ trong xã hội.

Cũng trong hai năm qua, nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ các bạn trẻ muốn kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao đã được ban hành.
Cụ thể, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/05/2016 về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày 12/06/2017…

Nhưng chưa thực sự hiệu quả

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, mặc dù hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã có đầy đủ các thành phần cho sự phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế hệ sinh thái khởi nghiệp còn chưa thực sự phát huy được tiềm năng vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu do các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp vẫn đang hoạt động rời rạc mà chưa có sự gắn kết, thiếu các cơ chế để huy động và phát triển các tiềm năng của hệ sinh thái.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Trí Dũng, Cố vấn Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program, SwissEP) cho biết, nhìn vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và so sánh với thế giới thì đều giống nhau, ở Việt Nam có hết. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để liên kết và vận hành các thành phần với nhau một cách có hiệu quả.

“Việc này mất cả một quá trình, trong đó xây dựng niềm tin của các start up với đơn vị hỗ trợ, các nhà đầu tư nước ngoài là quá trình mất thời gian, rất lâu. Đổi mới sáng tạo là kết quả của một khoảnh khắc, nhưng để đi đến khoảnh khắc này có khi mất hàng chục năm”, ông Trần Trí Dũng cho biết. 

alt

Các diễn giả tại diễn đàn

Là một chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp, bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam cũng đồng ý về việc hệ sinh thái đã có, nhưng nhiều thành phần trong hệ sinh thái vẫn chưa trợ giúp được nhiều cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cụ thể, đối với đầu tư mạo hiểm, thị trường Việt Nam đã ghi nhận sự tham gia của một số quỹ đầu tư vào các startup, như: Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate Venture (Singapore), IDG, 500 startup (Mỹ)... Tuy nhiên, startup Việt Nam lại không đủ khả năng đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn đầu tư của các quỹ này.

Ở góc độ khác, luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group cho rằng, hiệu quả của hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn là câu chuyện cần bàn. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là vấn đề thực thi.

“Nếu trong trường hợp Bộ Khoa học và Công nghệ lên tiếng ủng hộ cho Fintech, nhưng các ngân hàng không đồng lòng, thì sẽ tạo “nút thắt” lại. Hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư trải thảm cho doanh nghiệp, nhưng tồn tại rào cản về thuế thì con đường đó cũng không thông suốt và hiệu quả không tức thì…”, ông Lộc nêu ví dụ.

Cần phải làm gì?

Để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp có hiệu quả, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng cần sự vào cuộc không chỉ của Chính phủ, các tổ chức khởi nghiệp, mà còn cần đến rất nhiều từ nguồn lực xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi trước với bề dày kinh nghiệm và thành tích trong quá trình khởi nghiệp.

“Chính những doanh nghiệp đã thành công này sẽ quay trở lại đào tạo, bồi dưỡng chia sẻ kinh nghiệm, đầu tư vốn cho những doanh nghiệp mới khởi nghiệp”, Thứ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho rằng, công tác thông tin, tuyên truyền cũng rất quan trọng để cung cấp kiến thức, thông tin, tạo lập “văn hóa khởi nghiệp”, đặc biệt là tư duy “chấp nhận thất bại”, để từ thất bại đó rút kinh nghiệm tạo nên những thành công.

“Điều quan trọng nữa trong quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là phải xây dựng và phát triển được hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các vùng miền và hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các trường đại học trong cả nước. Thông qua đó giúp tạo dựng và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cả nước”, Thứ trưởng nói.

Còn theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ thì điều đầu tiên cần phải làm là hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho môi trường đầu tư, môi trường khởi nghiệp.

Tiếp đến là xây dựng và hoàn thiện quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho người hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ nâng cao kiến thức kỹ năng cho nhà đầu tư…

“Ngoài ra cần tạo ra văn hóa ủng hộ và hỗ trợ khởi nghiệp, từ sinh viên, học sinh cho đến các tầng lớp phải có văn hóa không sợ thất bại, dám đứng lên từ thất bại thì mới có thể thành công được”, ông Quất cho biết.

Dựa theo kinh nghiệm về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới, bà Lê Anh cho biết, đầu tiên cần nhân rộng mô hình Tổ chức Thúc đẩy kinh doanh như Vietnam Silicon Valley Accelertor (VSVA). Bên cạnh đó cần sự tham gia đầu tư trực tiếp từ Chính phủ để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng cho startup, đặc biệt là giai đoạn đầu.

Để thu hút khối tư nhân cùng đầu tư vào startup, thì cần có các chính sách, như: giảm thuế từ 30% đến 50% cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào giai đoạn gieo mầm cho statup; Không tính thuế trên lãi thu được của những khoản đầu tư thiên thần kéo dài trên 3 năm; Khoản lỗ từ đầu tư thiên thần có thể được bù đắp từ các khoản thuế…

Ngoài ra, bà Lê Anh còn khuyến nghị rằng, cần thành lập Hiệp hội đầu tư mạo hiểm, bởi hiệp hội sẽ là cầu nối giữa những nhà đầu tư tư nhân với các tổ chức đầu tư mạo hiểm, giúp cho việc lựa chọn đơn vị quản lý danh mục đầu tư được chuẩn xác hơn…

Kim Hiền

http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/146-9704-he-sinh-thai-khoi-nghiep-da-co-nhung-chua-hieu-qua.html

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)