Thứ tư, 21/03/2018 03:35

Tiếp sức doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Thời gian qua cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế lớn, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Xu hướng tất yếu

Hiện nay dừa là một trong những cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho người dân tỉnh Bến Tre. Hàng năm kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa luôn đạt khoảng 150 - 200 triệu USD, chiếm tỷ lệ gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện Bến Tre có diện tích dừa khoảng 70.000 hecta (chiếm gần 40% diện tích cả nước) với sản lượng cung cấp ra thị trường là 600 triệu trái/1 năm. Trong thời gian tới, Bến Tre sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp liên kết, đầu tư phát triển ngành dừa. Hiện dừa trái và các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã được xuất khẩu đến Trung Quốc, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng

Câu chuyện của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, tỉnh Bến tre là một ví dụ. Phát triển năm 1997, từ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ với vốn đầu tư chỉ vài chục triệu đồng, thành viên không đến 10 người, máy móc chủ yếu tự cải tiến với công suất chỉ 3.000 tấn/năm, nhưng nay doanh nghiệp này đã có hơn 700 người, doanh thu năm 2013 là 170 tỷ đồng, năm 2016 tăng lên gần 840 tỷ đồng, xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ dừa như: Dầu dừa, nước cốt dừa, cơm dừa sấy khô, nước dừa đóng lon... đến hàng chục nước trên thế giới. Có được kết quả đó là nhờ doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ và nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước. Ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty Chế biến Dừa Lương Quới cho biết, giai đoạn từ năm 2011 đến 2012 giá dừa thấp nhất khoảng 40.000đồng/12 trái dừa, nhiều người dân có xu hướng chặt bỏ, không gắn bó với cây dừa. Với mục tiêu làm chủ hoàn thiện công nghệ chiết tách VCO, nâng cao chất lượng VCO phục vụ xuất khẩu, qua đó tạo giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm từ dừa và ổn định thu nhập cho người trồng dừa ở Bến Tre và vùng Tây Nam Bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Trung tâm sinh học thực nghiệm - Viện ứng dụng công nghệ thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt”. Nhiệm vụ thuộc “Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020“, do TS Nguyễn Phương làm chủ nhiệm. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chuyển giao, ứng dụng thành công tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Thông qua dự án, bằng công nghệ tách dầu dừa tinh khiết từ dừa tươi theo phương pháp ly tâm không sử dụng nhiệt độ cao, không sử dụng hóa chất đã giải quyết vấn đề nâng cao giá trị cho sản phẩm dừa, tạo ra được sản phẩm dầu dừa tinh khiết (VCO - Virgin Coconut Oil) chất lượng đạt chuẩn quốc tế (theo tiêu chuẩn của Hiệp hội dừa châu Á - Thái Bình Dương - APCC). Sản phẩm VCO được cấp US FDA đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ và BRC food vào thị trường EU. Hiện nay sản phẩm VCO của Công ty đã có mặt tại thị trường: Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Đan Mạch, Đức, Anh…

alt

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sữa dừa để xuất khẩu

Nhờ đầu tư đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất nói trên đã giúp nâng cao 25% giá trị cho sản phẩm dầu dừa tinh khiết khi xuất khẩu. Theo thống kê của Hiệp hội dừa Bến Tre, năm 2016 Việt Nam xuất khẩu 193 tấn VCO/năm (VCO công nghệ ép lạnh), và nay với dây chuyền công nghệ hiện tại, năng suất 5.000 tấn/năm đã giúp tăng năng lực xuất khẩu lên 26 lần.
TS. Nguyễn Phương, Chủ nhiệm đề tài cho biết, tổng kinh phí thực hiện đề tài là 10,513 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước 7,35 tỷ, còn lại là đối ứng của doanh nghiệp. Với việc đổi mới công nghệ cho sản phẩm VCO, Bến Tre đã có thị phần VCO trên trường quốc tế. Khẳng định vai trò KH - CN trong đổi mới công nghệ nâng cao giá trị cho sản phẩm dừa. Dầu dừa tinh khiết được sản xuất theo quy trình mới có giá trị thương mại gấp 4 lần so với sản phẩm sản xuất theo công nghệ tinh luyện cũ, góp phần nâng cao chuỗi giá trị cây dừa tại địa phương. “Từ năm 2014 đến nay, nhờ áp dụng tiến bộ KH - CN, chất lượng sản phẩm từ dừa của Công ty đã được nâng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu. Sự phát triển của Công ty cũng như tăng sản lượng dừa được chế biến đã góp phần tăng giá trị trái dừa cho địa phương: từ 40.000 đồng/12 trái dừa năm 2011 - 2012, đến 2017 trung bình 120.000 đồng/12 trái, có lúc lên đến 150.000 đồng/12 trái, ông Cù Văn Thành nói.
Hay một ví dụ khác, thông qua hỗ trợ của dự án KH - CN “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam”, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã làm chủ được tính toán, thiết kế và mô phỏng hoàn chỉnh kết cấu ô tô khách. Từ đó, rút ngắn khoảng cách trình độ thiết kế và công nghệ chế tạo ô tô của Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN, nâng cao hàm lượng công nghệ của xe khách giường nằm lên 78%, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa của xe khách lên 61%, góp phần giảm 15% giá thành sản phẩm nội thất khi dùng công nghệ nhựa nội thất cao cấp so với công nghệ cũ.
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Đảng, Nhà nước ngày càng quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển KH - CN. Điều đó thể hiện rõ qua các Nghị quyết của Đảng, Chỉ đạo của Chính phủ, sự quan tâm đổi mới cơ chế, chính sách của QH và phối hợp chặt chẽ của Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành, địa phương… tất cả tạo nên nền tảng vững chắc, thuận lợi để KH - CN phát triển.
Đặc biệt, đã có sự xoay trục, dịch chuyển rõ nét về cơ chế chính sách, doanh nghiệp được xác định là trung tâm, được tập trung hỗ trợ phát triển, từ hành lang pháp lý thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tiếp cận với công nghệ mới… Nhà nước cũng tạo nhiều nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng năng suất sản xuất, sẵn sàng trong tiến trình hội nhập quốc tế. Xác định chủ trương đổi mới công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ phê duyệt nhiều chương trình KH - CN quốc gia nhằm hỗ trợ các tổ chức, trong đó có doanh nghiệp đổi mới công nghệ như: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH - CN và tổ chức KH - CN công lập chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020…
Đặc biệt, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được thành lập với chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Quỹ đã và đang tài trợ cho nhiều nhiệm vụ KH - CN với kết quả là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tính lan tỏa và tác động mạnh đến sự phát triển của doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã hội. Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, kinh phí từ Quỹ phát triển KH - CN của doanh nghiệp ngày càng tăng và được sử dụng hiệu quả cho hoạt động KH - CN. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy các doanh nghiệp đang ngày càng chú trọng đến việc đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập hiện nay.
Bài và ảnh: Quỳnh Chi
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=83&NewsId=403288

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)