10 lập 9 tan
Từ năm 2016 (được coi là năm quốc gia khởi nghiệp) tới nay đã có nhiều doanh nghiệp (DN) được thành lập mới. Trong đó, hàng loạt mô hình khởi nghiệp thành công như: Tiki, Lozi, Cốc Cốc... Để đạt được những thành quả đó là nhờ hàng loạt các chính sách nhằm tháo gỡ rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh từ phía Chính phủ, các bộ, ngành. Đơn cử như giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như hỗ trợ phát triển DN của Chính phủ... Những giải pháp này đã trở thành động lực lớn đối với cộng đồng khởi nghiệp. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đạt được thành công.
Bà Phạm Chi Lan
Đánh giá về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, từ năm 2016 tới nay, các DN bắt đầu quan tâm tới khởi nghiệp, đặc biệt là những người trẻ. Chỉ trong năm 2016, ghi nhận được hơn 1.000 trường hợp và năm 2017 thì có khoảng 3.000 trường hợp được coi là khởi nghiệp.
Tuy nhiên cũng phải thấy một thực tế là so với tổng số DN được thành lập ở Việt Nam qua 2 năm vừa rồi thì đó vẫn là một con số vô cùng nhỏ bé. Bởi năm 2017 có khoảng 128.000 DN mới được thành lập mà trong đó chỉ có gần 3.000 DN khởi nghiệp. Thông tin này đã chứng minh việc khởi nghiệp vô cùng khó khăn. Chính vì thế, khởi nghiệp là một quá trình mà bản thân mỗi DN cũng như các chính sách của Nhà nước luôn phải quan tâm và chăm sóc để cho nó phát triển một cách thực sự và bền vững trong tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành
Đồng ý với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết, bản thân khởi nghiệp đã là một việc khó, mỗi DN nếu chỉ cần vẽ ra để tồn tại thì dễ, nhưng để duy trì, phát triển và khẳng định vị trí của mình không hề đơn giản.
Người sáng lập ra DN cần hội tụ rất nhiều yếu tố, ngoài ý tưởng ban đầu cần phải độc đáo và có chiều sâu thì phải có kỹ năng vì nó động chạm đến quyền lợi của rất nhiều người, đến môi trường cạnh tranh hay các yếu tố pháp luật. Nên đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn và có kiến thức sâu rộng hoặc các nhóm đối tác để hỗ trợ. Tuy nhiên, nhóm đối tác lại phụ thuộc vào khả năng làm việc nhóm, nên thường 90% khởi nghiệp thất bại trong giai đoạn này.
Vẫn cần hỗ trợ
Trước hàng loạt những khó khăn đối với con đường khởi nghiệp của DN, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam không chỉ cần phát triển về công nghệ mà còn có rất nhiều vấn đề khác như chính sách về giáo dục và đào tạo, các vấn đề về tài chính cũng cần thay đổi cơ bản. Mặc dù Chính phủ có đưa ra một số chính sách khuyến khích về tài chính nhưng trên thực tế chính sách này quá rộng trên các lĩnh vực khác nhau. Nhiều DN khởi nghiệp không biết mình được hưởng tài chính ưu việt như thế nào so với các DN bình thường. Đơn cử như dự thảo cho đặc khu kinh tế mới đây thì ưu đãi dành cho DN lĩnh vực casino và resort rất cao và thậm chí cao hơn so với bên ngoài. Như vậy, DN khởi nghiệp liệu có thể cạnh tranh về thu hút tài chính so với những DN làm trong các đặc khu kinh tế mà chúng ta dự kiến hay không.
Mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại TP HCM
Thêm vào đó, quá trình để tiếp cận được với ưu đãi tài chính vẫn là một hành trình vô cùng gian nan đối với các DN. Ngoài ra, các vấn đề về nguồn lực khác như đất đai cũng là thách thức đối với DN khởi nghiệp. Trên thực tế, nhiều DN khởi nghiệp phải thuê mặt bằng với giá rất cao, nhưng khi làm thành công thì người cho thuê lại tăng giá hoặc đòi đất để làm tương tự như thương hiệu của mình. Do đó, những chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho từng DN khởi nghiệp cần linh động theo mỗi lĩnh vực cụ thể.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng, hiện nay những chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp đã nằm trong tổng thể các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích DN cũng như sự phát triển trong khối kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, khi có thêm những làn sóng khởi nghiệp thì những chính sách này cần chú trọng thêm để phù hợp với từng lĩnh vực của DN khởi nghiệp. Ngoài ra, các DN khởi nghiệp nên tránh tư duy dựa dẫm ngay từ đầu vào các chính sách mà nên chủ động để phát huy được năng lực của mình. Bởi xét cho cùng kinh tế thị trường thì rất nghiệt ngã, việc hỗ trợ từ các chính sách chỉ là một phần rất nhỏ. Mặc dù, trong thời điểm hiện nay Chính phủ đã và đang cố gắng tạo ra một môi trường kinh doanh tốt nhất cho tất cả mọi người. Nhưng con đường thành công của các DN khởi nghiệp ở phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, để thành công ngoài các yêu tố về chính sách, mỗi DN khởi nghiệp cần tự thay đổi và vận động để phát triển liên tục, dài hơi, bền vững chứ không chỉ là phong trào.
Tại Techfest Việt Nam 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Hãy làm sao để khởi nghiệp không phải là phong trào mà cần liên tục, dài hơi, bền vững. Để đạt được điều đó, tháo gỡ rào cản để tạo điều kiện cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam bứt phá, góp phần hình thành cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh hơn là việc làm cần thiết.
Đông Nghi - Thiên Minh
http://petrotimes.vn/doanh-nghiep-khoi-nghiep-van-con-rao-can-502524.html