Thứ hai, 14/08/2017 04:14

Cởi mở hơn về doanh nghiệp khoa học - công nghệ

Hiện nay, cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí hình thành doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, chỉ có vài trăm doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học - công nghệ.

Để các mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ không trở nên xa vời, rất cần những chính sách mới, cởi mở hơn nhằm tăng số lượng doanh nghiệp khoa học - công nghệ cũng như giúp đỡ các doanh nghiệp mới hình thành có bước phát triển vững vàng.

Nhiều ưu đãi vẫn không mặn mà

Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ (KH-CN), tính đến tháng 6-2016, cả nước có 234 doanh nghiệp KH-CN được cấp giấy chứng nhận. Con số này cho thấy mục tiêu đến năm 2020 hình thành 5.000 doanh nghiệp KH-CN mà Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020 đặt ra là khá xa vời.

Doanh nghiệp Việt Nam cần ưu tiên dùng công nghệ Việt Nam. Trong ảnh: Kiểm tra phát triển quả thể Đông trùng hạ thảo tại doanh nghiệp dược Thảo Thiên Phúc. Ảnh: Thái Hiền

Theo đánh giá của nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, số lượng doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đó chưa đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, các doanh nghiệp KH-CN mới được định hình trong những năm gần đây, bắt nguồn từ ý tưởng của các nước phát triển, đó là các công ty khởi nghiệp do chính nhà khoa học đồng sở hữu với cơ quan nghiên cứu (gọi là các spin-off), hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp start-up.

Ngay từ năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH-CN công lập, tiếp đó là Nghị định 80/2007/NĐ-CP quy định về doanh nghiệp KH-CN với nhiều ưu đãi, nhất là chính sách về thuế, đất đai, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho doanh nghiệp KH-CN… Thực tế triển khai cho thấy, có doanh nghiệp gặp phải rất nhiều phiền hà để được công nhận là doanh nghiệp KH-CN. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, Bộ KH-CN đã ủy quyền cho các Sở KH-CN thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, giải pháp này cũng có bất cập do năng lực thẩm định của các Sở KH-CN nhiều khi không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, dù về mặt nguyên tắc thì doanh nghiệp đã được ưu đãi thông qua chính sách về thuế, đất đai đã được ban hành nhưng trên thực tế, việc triển khai thực hiện những chính sách đó không hề đơn giản. Thậm chí, do việc xin ưu đãi thuế còn "vất vả" hơn đóng thuế nên có nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp "từ chối ưu đãi" - tự đóng thuế cho bớt phiền phức.

“Rõ ràng là chúng ta cần tạo sự nhất quán và đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KH-CN. Có như vậy thì mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp KH-CN mà chiến lược phát triển KH-CN đã đề ra mới phần nào có hy vọng đạt được”, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân, người có vai trò quan trọng trong xây dựng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, chia sẻ.

Tạo đà cho doanh nghiệp

Để tạo điều kiện nuôi dưỡng và phát triển một số doanh nghiệp KH-CN, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần tạo cơ chế hỗ trợ tín dụng, chỉ định thầu một số dự án, công trình có hàm lượng KH-CN cao và có tính chất tạo đà.

Điều này, theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân, là rất cần thiết bởi các doanh nghiệp KH-CN được hình thành từ việc chuyển đổi hoặc tách ra khỏi các tổ chức KH-CN công lập, tiềm lực ban đầu còn yếu, không có nguồn vốn lưu động, các tài sản mà Nhà nước giao cho rất hạn chế, chủ yếu là các thiết bị nghiên cứu, còn các dây chuyền, trang thiết bị sản xuất thì hầu như không có. Bên cạnh đó, ngay khi mới thành lập, đi vào hoạt động, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của Nhà nước với những phương thức khác nhau. Tuy nhiên, theo Luật Đấu thầu, để có được một dự án, doanh nghiệp phải đáp ứng một số tiêu chí liên quan đến số năm kinh nghiệm, các dự án lớn đã tham gia thực hiện… Đó thực sự là bài toán khó giải đối với các doanh nghiệp mới hình thành, tiềm lực hạn chế - tức không có đủ các điều kiện để cạnh tranh với các đơn vị nước ngoài.

“Chúng ta có phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, vậy thì trong lĩnh vực này, tôi nghĩ cũng nên có một khẩu hiệu tương tự là doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên dùng công nghệ Việt Nam. Tức là những công nghệ do người Việt Nam tạo ra phải được ưu tiên áp dụng, đưa vào sản xuất kinh doanh thông qua những doanh nghiệp KH-CN. Họ có quyền được chỉ định thầu trong một số hạng mục, được Nhà nước hỗ trợ trong một số hoạt động nhằm có đủ điều kiện cạnh tranh khi đấu thầu các dự án lớn. Sau khi họ đã có kinh nghiệm, đã có được thành công ở một số dự án, chúng ta có thể yêu cầu họ bình đẳng với các doanh nghiệp khác trong đấu thầu”, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân đề xuất phương án nhằm khích lệ các doanh nghiệp non trẻ.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp KH-CN, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị công lập. Nghị định này được đánh giá là tạo thuận lợi cho các tổ chức sự nghiệp, thế nhưng, do phạm vi bao quát quá nhiều lĩnh vực nên Nghị định "vướng" với rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Ví dụ, việc giao quyền tự chủ về nhân sự, điều khoản liên quan trong Nghị định có sự mâu thuẫn với Luật Viên chức, hoặc với việc giao quyền tự chủ về tài chính, khi áp dụng các điều khoản được đưa ra tại Nghị định, bộ phận thực thi có thể băn khoăn khi "liếc sang" Luật Ngân sách nhà nước.

“Nếu như không có sự tự chủ về tài chính thì mọi quyền tự chủ khác đều là vô nghĩa. Chính vì thế, cộng đồng doanh nghiệp KH-CN mong muốn Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt hơn để các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Quốc hội cũng cần nghiên cứu cho sửa đổi những luật có liên quan để quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị KH-CN công lập được thực hiện một các triệt để”, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu kiến nghị.

Mai Hà (HNM)

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/874983/coi-mo-hon-ve-doanh-nghiep-khoa-hoc---cong-nghe

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)