Thứ sáu, 11/08/2017 04:17

Đổi mới cơ chế hoạt động của doanh nghiệp khoa học công nghệ tại Việt Nam

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) gặp khó khăn về thủ tục hành chính, số lượng doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận chưa đáp ứng yêu cầu…Đây chính là rào cản cho sự hình thành và phát triển DN KH&CN tại Việt Nam.

alt

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Bích Liên

Phát triển doanh nghiệp KH&CN là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước đặt ra và quyết tâm triển khai thực hiện. Bởi doanh nghiệp KH&CN không chỉ là cầu nối đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN chuyển giao vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, việc phát triển doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhiều ưu đãi, DN vẫn không mặn mà…
Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, tính đến tháng 6/2016 cả nước có 234 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN và nhiều hồ sơ đăng ký chứng nhận đang trong quá trình thẩm định, họp hội đồng đánh giá.

Như vậy, với con số hơn 200 này thì có thể khẳng định rằng mục tiêu hình thành 3.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ đã bị phá sản. Và chắc chắn, mục tiêu đến năm 2020 hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng khó hoàn thành khi mà thời gian chỉ còn chưa tới 3 năm.

Lý giải nguyên nhân thực sự khiến việc phát triển DN KH&CN ngày càng trở nên ít ỏi như vậy, theo TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng do số lượng DN được cấp giấy chứng nhận chưa đáp ứng được yêu cầu, hơn nữa các DN KH&CN mới được định hình trong những năm gần đây, được bắt nguồn từ ý tưởng của các nước phát triển (gọi là các DN Spin-of, hoặc starup).

Ngay từ năm 2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định về đổi mới tổ chức quản lý các tổ chức KH&CN công lập, từ đó nảy sinh một vấn đề đó là khi chuyển đổi hoạt động, có một số tổ chức KH&CN sẽ chuyển sang hoạt động theo cơ chế DN và từ đó Chính phủ thấy rằng cần phải có một Nghị định nữa về DN KH&CN. Và đến năm 2007, Nghị định 80 của Chính phủ đã quy định DN KH&CN là những loại hình tổ chức DN như thế nào, được hưởng ưu đãi gì và nó có vai trò như thế nào trong nền kinh tế và nền KH&CN của một quốc gia.

Nghị định 115 năm 2005 và Nghị định 80 năm 2006 quy định các DN KH&CN được hưởng nhiều ưu đãi, nhất là chính sách về thuế, đất đai, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước…nhưng trên thực tế triển khai các DN gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính.

Thực tế triển khai, có những DN xứng đáng là DN KH&CN nhưng để được công nhận họ cảm thấy các thủ tục rất phiền hà. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, Bộ KH&CN cũng đã ủy quyền cho các Sở KH&CN thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận nhưng năng lực thẩm định của các Sở nhiều khi không đáp ứng được do đội ngũ quản lý ở các Sở mỏng và chưa có trình độ cao để có thể hiểu được công nghệ mà DN sử dụng có mới không, có thật sự cao không và có xứng đáng được là DN KH&CN hay không.

Bên cạnh đó, một yếu tố để quyết định sự thành công cho các tổ chức KH&CN công lập đó là sự nhận thức của những người đứng đầu tổ chức. Nhưng trên thực tế hầu hết các Viện nghiên cứu, các Trung tâm nghiên cứu vẫn mang tính bao cấp, vẫn chông chờ và ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và đặc biệt những người đứng đầu mà không có đủ quyết tâm và tập hợp các nhà khoa học trong đơn vị của mình cùng nhau nghiên cứu phương án sản xuất kinh doanh, gắn nghiên cứu với tổ chức kinh doanh thì các tổ chức đó khó chuyển đổi.

Sau nữa là những chính sách về thuế, đất đai, về mặt nguyên tắc thì đã có ưu đãi nhưng trên thực tế việc thực hiện những ưu đãi đó không hề đơn giản. Thậm chí có nhiều DN tự đóng thuế cho nhanh bởi nhiều khi xin ưu đãi thuế còn vất vả hơn đóng thuế. Vì vậy số lượng DN đi đăng ký để cấp giấy chứng nhận DN KH&CN không nhiều, nhưng có thể khẳng định các DN mà đủ điều kiện công nhận DN KH&CN thì số lượng rất lớn.

“Rõ ràng là chúng ta cần tạo sự nhất quán và đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, có như vậy mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp mới phần nào có hy vọng”, TS. Nguyễn Quân chia sẻ.

Cần ưu tiên dùng công nghệ Việt
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần tạo cơ chế hỗ trợ tín dụng; chỉ định thầu một số dự án, công trình có hàm lượng KH&CN cao và có tính chất tạo đà ban đầu để có thể nuôi dưỡng và phát triển một số doanh nghiệp KH&CN có khả năng cạnh tranh.

Theo TS. Nguyễn Quân, việc đó rất cần thiết, bởi các DN KH&CN được hình thành từ việc chuyển đổi hoặc tách ra khỏi các tổ chức KH&CN công lập tiềm lực ban đầu còn yếu, không có nguồn vốn lưu động, các tài sản Nhà nước giao cho rất hạn chế, chủ yếu là các trang thiết bị nghiên cứu, còn các dây chuyền sản xuất, các trang thiết bị sản xuất thì hầu như không có.

Bên cạnh đó, ngay khi các DN mới bắt đầu thành lập, đi vào hoạt động cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các phương thức khác nhau. Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu, để có một Dự án chúng ta lại đặt ra đầu bài quá khó cho các DN ở trong nước. Ví dụ như phải có bao nhiêu năm kinh nghiệm, có các dự án lớn…như vậy thì các DN mới hình thành đang ở mức non trẻ không có đủ các tiêu chí để có thể cạnh tranh với nước ngoài kể cả trong nước.

Để khắc phục hàng loạt khó khăn liên quan đến hoạt động của những đối tượng này, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 16-2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị công lập, có thể nói Nghị định16-2015/NĐ-CP  thay thế cho 2 Nghị định trước đó là Nghị định 115 năm 2005 về đổi mới các tổ chức KH&CN công lập và NĐ 43 năm 2006 về đổi mới giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập khác ví dụ như: Giáo dục, văn hóa, ý tế, khoa học..

Tuy nhiên đây là một Nghị định rất rộng, tập trung tất cả các lĩnh vực, kể cả khoa học, giáo dục, ý tế, văn hóa…cho nên Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành phụ trách các lĩnh vực đó cần xây dựng các văn bản riêng phù hợp với các hoạt động quản lý của mình.

Như vậy, có thể thấy, các tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi thành công sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự trang trải kinh phí hoặc mô hình doanh nghiệp KH&CN rất cần sự kết hợp từ hai phía: Tổ chức KH&CN và Nhà nước.

Sau khi chuyển đổi, để các tổ chức này tiếp tục phát triển được trong cơ chế thị trường thì ngoài việc tự nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn rất cần sự hỗ trợ kịp thời và hợp lý của Nhà nước với mục tiêu để KH&CN thật sự là lực lượng sản xuất trực tiếp phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.

Bích Liên (ĐCSVN)

http://dangcongsan.vn/khoa-giao/doi-moi-co-che-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-tai-viet-nam-449118.html

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)