Đoàn cán bộ và chuyên gia Ban Quản lý Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam tham quan dây chuyển sản xuất VLXKN tại Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Toàn Cầu.
Ông Trần Thanh Minh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Toàn Cầu - một trong những tập đoàn hàng đầu sản xuất VLXKN cho biết, tại các nước phát triển sản phẩm xanh trong xây dựng được đặc biệt quan tâm. Ngành VLXKN tại các nước này phát triển trước chúng ta cả nửa thế kỷ. Do vậy, từ năm 2010, Toàn Cầu đã đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung có công suất 50 triệu viên/năm tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Ngoài công nghệ hiện đại, nhà máy này sở hữu lợi thế nằm rất gần mỏ Bazan và gần trung tâm Hà Nội, một thị trường “nóng” bậc nhất tại Việt Nam. Sau nhiều năm nghiên cứu, Toàn Cầu đã cho ra thị trường dòng sản phẩm phù hợp với điều kiện thi công và khí hậu Việt Nam, giúp mang lại giá trị về kinh tế và môi trường cho các dự án xây dựng tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc… Tuy nhiên, gạch không nung là sản phẩm mới, đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu và phát triển thị trường, do đó, để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ loại sản phẩm này, bên cạnh các cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước thì việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm này cần phải có tính chiến lược nhằm thay đổi thói quen sử dụng gạch đỏ truyền thống.
Đoàn cán bộ và chuyên gia Ban Quản lý Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Việt Nam làm việc tại Công ty TNHH MTV Vật liệu xây không nung Lâm Việt (Phú Thọ).
Cùng quan điểm nêu trên, ông Đào Anh Đức - Giám đốc Công ty TNHH MTV Vật liệu không nung Lâm Việt (Phú Thọ) cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều lò gạch nung truyền thống còn hoạt động, thậm chí còn được mở rộng. Do đó, việc sản xuất và tiêu thụ gạch không nung nói riêng, VLXKN nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Ông Đào Anh Đức khẳng định, để các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh VLXKN phát triển, Nhà nước và các bộ/ngành cần tăng cường rà soát, kiểm tra việc thực hiện Quyết định 567/QÐ-TTg, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; các thông tư như 09/2012/TT-BXD về quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng…; đồng thời sẽ siết chặt chế tài xử lý các loại vật liệu đất sét nung truyền thống, nhằm tránh gia tăng áp lực cạnh tranh và tiêu thụ trên thị trường.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh VLXKN, các các bộ và chuyên gia của Ban Quản lý Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam cho rằng, trước tình hình nguồn cung của một số ngành vật liệu xây dựng đã dư thừa, cạnh tranh khốc liệt về thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp cần xem xét cẩn thận quy hoạch về phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn một cách hợp lý Bên cạnh đó, cần chú trọng tới việc đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, bên cạnh sự hỗ trợ của Ban Quản lý Dự án về công tác lập kế hoạch, tập huấn, quảng bá… thì việc các doanh nghiệp việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những lợi ích của VLXKN chính là nhu cầu bức thiết để các doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hiện nay.
Phong Vũ