Thứ năm, 17/10/2019 03:01

Khai mạc Hội nghị khoa học quốc tế về Whitmore lần thứ 9

Từ ngày 16 đến ngày 18/10/2019, tại Hà Nội. Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội - ĐHQGHN) phối hợp với Viện Vệ sinh, Vi sinh và Môi trường Y học (Đại học Y khoa Graz, Áo) tổ chức Hội nghị quốc tế về bệnh Whitmore lần thứ 9 (WMC 2019). Đây là hội nghị được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, thu hút gần 200 nhà khoa học đến từ 26 quốc gia trên thế giới và 120 đại biểu từ 29 tỉnh/thành phố của Việt Nam. Hội nghị có 65 bài báo cáo trong 11 phiên họp chính và 103 báo cáo poster, bao gồm các khía cạnh nghiên cứu về vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và melioidosis.

VNU Hoi nghi benh Whitmorne2

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Hội nghị là một cơ hội không chỉ cho các nhà khoa học chia sẻ các nghiên cứu của mình về bệnh Whitmore mà còn là dịp để các nhà dịch tễ học, cộng đồng ở Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn về căn bệnh này, từ đó có những giải pháp ngăn ngừa, chẩn đoán, điều trị tốt hơn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị này của Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học - một đơn vị nghiên cứu thuộc ĐHQGHN. Phó Giám đốc bày tỏ, ĐHQGHN nói chung và Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học nói riêng rất vinh dự được đồng tổ chức sự kiện lớn này - một hội nghị về loại bệnh truyền nhiễm đặc trưng ở Việt Nam cũng như các nước trong vùng nhiệt đới. Hội nghị là dịp thuận lợi để các nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi các kiến thức mới nhất về bệnh Whitmore (hay còn gọi là melioidosis), trao đổi các ý tưởng, kết tạo mạng lưới nghiên cứu để làm rõ hơn những khoảng trống tri thức về căn bệnh này.

  VNU Hoi nghi benh Whitmorne1

 Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại Hội nghị, các nhà khoa học thảo luận về các nội dung liên quan lâm sàng, chẩn đoán, điều trị và kháng kháng sinh, lịch sử nghiên cứu bệnh; dịch tễ học, bệnh học, miễn dịch học, thú y; môi trường, genomic và proteomic, vắc xin và phòng bệnh whitmore...
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học (ĐHQGHN), Trưởng ban tổ chức Hội nghị Trịnh Thành Trung cho biết: Bệnh Whitmore là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong, không lây truyền từ người sang người. Trực khuẩn gây bệnh Whitmore là một loại vi khuẩn Gram âm, có thể tồn tại trong bùn, đất và lây nhiễm bệnh thông qua các vết xước, vết thương ngoài da do sơ ý hoặc tai nạn. Bệnh Whitmore lây qua 3 con đường: nhiễm khuẩn khi tiếp xúc với bùn đất; qua đường hô hấp do hít phải bụi có vi khuẩn hoặc qua đường tiêu hóa.

VNU Hoi nghi benh Whitmorne3

Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học (ĐHQGHN), Trưởng ban tổ chức Hội nghị Trịnh Thành Trung trao đổi với phóng viên báo chí bên lề Hội nghị

Ông Trung cũng cảnh báo: Khi có những dấu hiệu về bệnh Whitmore, người dân nên đến cơ sở y tế uy tín, có xét nghiệm vi sinh để xét nghiệm chẩn đoán vì xét nghiệm vi sinh là xét nghiệm chẩn đoán cuối cùng để phát hiện được bệnh. Nếu bị bệnh, bệnh nhân phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ và kéo dài tới 6 tháng, nếu không bệnh có thể tái phát lại với tính “nguy cấp” mạnh hơn rất nhiều. Do có dấu hiệu lâm sàng đa dạng nên bác sỹ thường chẩn đoán nhầm bệnh Whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác (tụ cầu, liên cầu). Nhưng ngay cả khi được chẩn đoán chính xác, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là ceftazidime) tiêm tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất từ 2 đến 4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì từ 3 đến 6 tháng nữa. Người dân, đặc biệt những người đang có bệnh tiểu đường hoặc bệnh lý gan, thận cần chủ động phòng bệnh Whitmore như hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước, sử dụng bảo hộ lao động khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ruộng.
Vũ Hưng

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)