Thứ tư, 17/07/2019 06:15

Vai trò của giáo dục mở dựa trên phân tích cơ sở triết lý

Giáo dục mở (GDM) là một xu hướng giáo dục mới và đang được quan tâm phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều đề án, công việc được phê duyệt và triển khai liên quan đến nội dung này trong Nghị quyết 29/NQ-TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Để thực hiện việc đổi mới giáo dục và đào tạo, GDM đang trở thành một hướng đi nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ các giới liên quan. Trong bài báo này, tác giả tập trung phân tích cơ sở triết lý giáo dục mở để làm rõ vai trò của mô hình giáo dục này.

Khái niệm giáo dục mở
Các nhà khoa học trong nước đang tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan tới GDM ở nhiều góc độ khác nhau, từ triết lý đến khái niệm, đánh giá thực trạng, và đề xuất các giải pháp. Tuy vậy, việc áp dụng GDM ở Việt Nam còn ở phạm vi nhỏ và còn nhiều mâu thuẫn giữa chính sách và thực tiễn. Để góp phần đẩy mạnh việc áp dụng GDM một cách đúng đắn, chúng tôi thấy cần thiết phải phân tích kỹ các triết lý, nền tảng xuất phát của GDM và những lợi ích của GDM đem lại.
Trên thế giới đang phổ biến các định nghĩa về GDM của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, của SPARC (Liên minh toàn cầu cam kết làm cho GDM trở thành mặc định cho nghiên cứu và giáo dục) và của Opensource.com (trang xuất bản các kinh nghiệm về việc áp dụng và chia sẻ giải pháp nguồn mở). Bộ Giáo dục Hoa Kỳ tuyên bố về GDM như sau: “Chúng tôi tin tưởng các cơ hội giáo dục nên sẵn sàng cho tất cả những người học. Việc tạo ra hệ sinh thái GDM có liên quan tới việc tạo ra các tư liệu, dữ liệu học tập và các cơ hội giáo dục, không có các hạn chế bởi các luật bản quyền, các rào cản truy cập, hoặc các hệ thống sở hữu độc quyền đặt ra làm cho thiếu tính tương hợp và hạn chế sự trao đổi thông tin một cách tự do”. Còn SPARC thì cho rằng “GDM bao gồm các nguồn lực, công cụ và thực hành không có các rào cản về pháp lý, tài chính và kỹ thuật và có thể được sử dụng, chia sẻ và điều chỉnh hoàn toàn trong môi trường kỹ thuật số. GDM tối đa hóa sức mạnh của Internet để làm cho giáo dục trở nên có giá cả phải chăng, dễ tiếp cận và hiệu quả hơn”. Và Opensource.com thì đưa ra định nghĩa: “GDM là một triết lý về cách mọi người nên sản xuất, chia sẻ và xây dựng kiến thức. Những người ủng hộ GDM tin rằng mọi người trên thế giới nên có quyền tiếp cận với những kinh nghiệm và tài nguyên giáo dục chất lượng cao, và họ làm việc để loại bỏ các rào cản đối với mục tiêu này. Những rào cản này có thể bao gồm chi phí tiền tệ cao, tài liệu lỗi thời hoặc các cơ chế pháp lý ngăn cản sự cộng tác giữa các học giả và nhà giáo dục”. Hiệp hội GDM của Hoa Kỳ thì tuyên bố: "Chia sẻ có lẽ là đặc điểm cơ bản nhất của giáo dục: giáo dục chia sẻ kiến thức, thông tin chi tiết và thông tin với người khác, khi đó kiến thức, kỹ năng, ý tưởng và hiểu biết mới có thể được xây dựng".
Nhìn chung, các định nghĩa này đều cho rằng GDM là việc loại bỏ các rào cản để người học tiếp cận được các tài nguyên giáo dục, các tài nguyên phục vụ cho việc dạy và việc nghiên cứu, hay rộng lớn hơn là để tiếp cận được nền tri thức của nhân loại. Bằng việc loại bỏ các rào cản tiếp cận tới tri thức đó, cơ hội được giáo dục sẽ trở nên sẵn sàng cho tất cả người học bất kể họ là ai và bất kể tình trạng kinh tế của họ ra sao. Nói một cách khác, GDM theo nghĩa cơ bản nhất là một thuật ngữ mô tả mô hình giáo dục được thiết kế để mở rộng khả năng tiếp cận việc học tập so với giáo dục chính quy thông thường, bằng nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự phát triển nguồn tư liệu GDM trong mọi môi trường học tập. Tính chất mở này nhấn mạnh vào sự linh hoạt của hệ thống, giảm thiểu những rào cản đối với người học gây nên do tuổi tác, địa điểm, thời gian và tình trạng kinh tế. Nền tảng tính mở theo ý nghĩa này của GDM là tài nguyên GDM, là các tài nguyên dạy, học và nghiên cứu không có các chi phí và không có các rào cản tiếp cận, cho phép mọi người tự do sử dụng, tùy biến thích nghi và chia sẻ tài nguyên đó - bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu. Việc cho phép sử dụng tài nguyên GDM được định nghĩa theo quy tắc “5R”: người sử dụng được tự do để giữ lại, sử dụng lại, làm lại, pha trộn và phân phối lại (retain, reuse, revise, remix, redistribute) các tư liệu giáo dục đó.
GDM được thúc đẩy bởi niềm tin rằng người học mong muốn tự tổ chức việc học của mình, đặc biệt họ muốn xác định các chủ đề quan trọng mà họ cần học; thu nhận được các kinh nghiệm giáo dục chứ không phải chỉ những hiểu biết thuần túy sách vở; tự chịu trách nhiệm về các quyết định giáo dục cho họ; hiểu được mối quan hệ giữa giáo dục với cộng đồng; và tự lựa chọn những vấn đề cần tập trung khi học tập ở lớp. Nói tóm lại, có một niềm tin rằng sự lựa chọn và định hướng tự do của người học sẽ nâng cao chất lượng học. Cơ sở triết lý của GDM nêu trên tương đồng với ý tưởng của nhà cải cách giáo dục John Dewey (1859-1952), và nhà tâm lý học phát triển Jean Piaget (1896-1980). Thật vậy, Dewey tin ở hiệu quả của quá trình học tư duy thông qua giải quyết các vấn đề thực bằng phương tiện hoạt động tìm kiếm và kinh nghiệm, không phải bằng việc ghi nhớ. Và trường học là một mô hình thu nhỏ của xã hội, không được tách rời khỏi bối cảnh quen thuộc của người học trong gia đình, cộng đồng, các tiêu chuẩn xã hội, cuộc sống hàng ngày - tất cả các lĩnh vực người học cần phải đối mặt và thấu hiểu. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tuổi thơ và ảnh hưởng của môi trường xã hội đối với sự phát triển cá nhân. Tất cả điều này trong một thời gian dài đã phản ánh niềm tin của người Mỹ vào sức mạnh văn minh của giáo dục thông qua trường phổ thông. Còn theo Piaget, người học chính là kiến trúc sư cho sự tăng trưởng tri thức, sự phát triển trí tuệ cá nhân của chính mình, và khái niệm này cung cấp liên kết đến giáo dục Dewey và Progressive: trẻ em được sinh ra với khả năng tự nhiên để tự học, khả năng mà một phần xác định di sản tiến hóa của loài người. Như vậy, chẳng những giáo dục phải mở để nhiều người có thể tiếp cận, mà còn phải mở để người học có thể chủ động tham gia quá trình giáo dục.
Cơ sở triết lý của giáo dục mở
Trên thế giới, GDM đang được phát triển với 3 trụ cột: tài nguyên GDM, các khóa học mở trực tuyến quy mô lớn và các trường đại học mở. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý về mặt triết lý, hệ thống GDM hướng đến một hệ thống GDM cho phép mọi thành phần thuộc hệ thống giáo dục và cả xã hội tham gia vào hệ thống với tính quyết định. Triết lý này có liên hệ chặt chẽ với triết lý của Đại học mở (Open University) Vương quốc Anh, với 4 nguyên tắc cốt lõi: "mở cho người học, mở về địa điểm, mở về phương pháp và mở về ý tưởng" (open to people, open to places, open to methods, and open to ideas). Trong những năm gần đây, một số đại học mở đã bổ sung thêm nguyên tắc "mở về chương trình học" (open curriculum), cho phép sinh viên thiết kế chương trình dẫn đến văn bằng của mình. Khía cạnh triết lý này gắn liền với các nghiên cứu về phương pháp giáo dục mới, như của John Dewey (1859-1952), trong đó nhấn mạnh sự lựa chọn và định hướng tự do của người học sẽ giúp nâng cao chất lượng việc học; hay của Jean Piaget (1896-1980), trong đó nhấn mạnh người học chính là kiến trúc sư tạo nên sự gia tăng về tri thức của mình. Như vậy, về mặt triết lý, GDM không chỉ để nhiều người có thể tiếp cận, mà còn để người học có thể chủ động tham gia vào quá trình giáo dục mang lại nhiều tác động tích cực đến việc quốc tế hoá nền giáo dục đại học của một quốc gia. Theo Jokisalo và Riu (2009), phương pháp giáo dục mới này là phương tiện nhanh và thuận tiện nhất để có thể tiếp cận và thoả mãn được nhu cầu tri thức của nhóm học viên có nhu cầu học không chính thức và các đối tượng này chiếm đến 90% trong toàn xã hội. Những nỗ lực thực hiện trong các dự án GDM sẽ là công cụ để thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong giáo dục cũng như nuôi dưỡng sự phát triển, áp dụng công nghệ học tập mở, công nghệ di động và điện toán đám mây (Jemni và Khribi). Khả năng truy cập, tính linh hoạt, sự tương tác, tính cá nhân hóa, tính minh bạch, nội dung mở và tính chia sẻ, phương tiện truyền thông, tăng cường sư phạm, tính phản ánh và khả năng học tập xã hội trong GDM là các chỉ số chính để cải thiện tình trạng giáo dục hiện tại cũng như đảm bảo chiến lược hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học trong tương lai (Jemni và cộng sự, 2017).
Vai trò của giáo dục mở
Yếu tố mở của tài nguyên học tập trong GDM gắn liền và cộng hưởng với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là Internet. Yếu tố mở này đã thể hiện nhiều lợi ích to lớn của nó bao gồm:
- Tăng cường sự bình đẳng: mọi người học đều có khả năng tiếp cận như nhau tới các tư liệu học tập với những nội dung phù hợp và cập nhật nhất vì các tài nguyên mở có thể được phân phối tự do cho bất kỳ ai.
- Tiết kiệm chi phí: tài nguyên mở cho phép các trường hay các quốc gia tiết kiệm chi phí, tự tạo ra học liệu của riêng mình, và chuyển sang đầu tư vào các nhu cầu cấp bách khác trong giáo dục. Việc sử dụng lại một phần hay toàn bộ các học liệu đã có sẵn giúp cho giảng viên tiết kiệm về thời gian để tạo ra các nội dung giảng dạy có chất lượng cao. Tài nguyên mở còn giúp xoá bỏ tình trạng độc quyền trong việc cung cấp học liệu, giúp cho người học tiết kiệm rất nhiều về chi phí mua sắm.
Không chỉ dựa vào tính mở của tài nguyên học tập, GDM với phương châm mở cho sự tham gia của người học và xã hội vào quá trình giáo dục còn có thể đưa lại những lợi ích lớn về chất lượng như sau:
- Thực sự lấy người học làm trung tâm, tạo điều kiện cho nhiều phương thức học tập đa dạng: GDM tạo điều kiện cho sự tham gia của người học vào việc tạo ra tài liệu và chương trình học tập. Người dạy có thể biên soạn các nội dung, tài liệu giảng dạy một cách mềm dẻo, tiến tới phục vụ tốt nhất cho từng cá nhân người học. Người học có thêm nhiều phương tiện học tập chứ không chỉ dựa vào sách giáo khoa và bải giảng.
- Học tập suốt đời: với phương pháp và học liệu của mình, GDM cho phép người học ở mọi độ tuổi, mọi thành phần xã hội có cơ hội học tập ở mọi lúc, mọi nơi.
- Tăng cường các mối quan hệ trong cộng đồng, tạo ra một xã hội học tập: mọi người trong cộng đồng, trong xã hội có thể biết và đóng góp vào quá trình giáo dục; và người học đều có khả năng làm việc cùng nhau để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với xã hội để cùng nhau giải quyết các thách thức và thực hiện các mục tiêu chung.
Kết luận
GDM với các lợi ích nêu trên có khả năng to lớn giúp Việt Nam giải quyết được các thách thức hiện nay. GDM sẽ giúp đất nước giảm chi phí về học liệu, đặc biệt là sách giáo khoa và giáo trình; cho phép chúng ta tăng cường sự bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục, thu hẹp khoảng cách giữa người nghèo và người giàu, giữa nông thôn và thành thị, góp phần to lớn trong thực hiện chức năng xã hội của giáo dục. GDM phù hợp với triết lý giáo dục mà Việt Nam đang hướng tới, lấy người học là trung tâm, giúp tăng cường sự chủ động và tính sáng tạo của người học. GDM còn cho phép chúng ta liên tục đào tạo mới và đào tạo lại lực lượng lao động đông đảo của đất nước, đảm bảo cho sự thành công của sự nghiệp “công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Có thể nói, để thực hiện thành công các mục tiêu của giáo dục Việt Nam, chúng ta cần sử dụng tối đa các điểm mạnh và lợi ích của GDM. Nếu không sử dụng và phát triển GDM, Việt Nam sẽ rất khó có cơ hội thực sự đổi mới nền giáo dục và đảm bảo chất lượng giáo dục theo kịp với yêu cầu của thời đại.

Nguyễn Lê Đình Quý
Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. https://tech.ed.gov/open/
2. https://sparcopen.org/open-education/
3. https://opensource.com/resources/what-open-education
4. http://www.open.ac.uk/about/main/strategy-and-policies/mission
5. L.E. Notter, M.C Robey (1979), “Open curriculum practices”, Nursing Outlook, 27(2), pp.116-121.
6. S.J. Brown, R.P. Adler (2008), “Open education, the long tail, and learning 2.0”, Education Review, 43(1), pp.16-20.
7. E. Jokisalo, A. Riu (2009), “Informal learning in the era of web 2.0”, E-learning Papers, 14(5), 6pp.
8. C. Latchem (2018), Open and Distance: Non- formal Educationin Developing Countries, Springer Nature, Springer Nature Singapore Pte Ltd., Singapore.
9. M. Jemni, K. Khribi (2017), Open Education: from OERs to MOOCs, Springer Nature, Springer-Verlag GmbH Berlin Heidelberg.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)