Thứ tư, 03/07/2019 07:34

Làm chủ thiết kế, chế tạo một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2025 cho thấy, từ nay đến năm 2015, cả nước sẽ có trên 70 nhà máy nhiệt điện chạy than công với công suất mỗi tổ máy từ 600 MW trở lên đi vào vận hành. Do đó, nhu cầu mua sắm thay thế và sửa chữa thiết bị của các nhà máy nhiệt điện chạy than là rất lớn. Nội địa hóa thiết bị được xem là giải pháp quan trọng để thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo trong nước phát triển và làm chủ công nghệ mới.

Với mục tiêu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, ngày 29/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1791/QĐ-TTg phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện được xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 2012-2015 bằng các mục tiêu cụ thể: đảm bảo tỷ lệ giá trị công tác tư vấn thiết kế chế tạo và dịch vụ kỹ thuật do các đơn vị tư vấn trong nước thực hiện đạt không dưới 40% cho dự án thứ nhất, 60% cho dự án thứ hai và 80% cho dự án thứ 3 trở đi.
Theo ông Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương), thời gian qua, ngành cơ khí đã có bước trưởng thành đáng kể trong chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện công suất đến 600 MW. Về thiết kế, ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam cùng với sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài đã thực hiện được toàn bộ phần thiết kế cơ sở, chế tạo được 30% khối lượng thiết bị. Về chế tạo thiết bị lẻ, các đơn vị trong nước như Viện Nghiên cứu Cơ khí, Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam đã chế tạo được một số thiết bị quan trọng cho các nhà máy nhiệt điện như băng tải thiết bị kho bãi, hệ thống bốc dỡ vận chuyển than, thiết bị lọc bụi, hệ thống nước làm mát, hệ thống phòng cháy, chữa cháy…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí, với quy hoạch 70 nhà máy nhiệt điện chạy than trong 15 năm tới, chúng ta sẽ có thị trường lớn để thực hiện chương trình chế tạo trong nước thiết bị nhà máy điện. Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đảm nhận được khối lượng lớn các thiết bị trong nhà máy nhiệt điện, nhưng nhìn chung, trên thực tế đối với các dự án nhiệt điện đã và đang thi công, các doanh nghiệp trong nước mới chiếm 40% về khối lượng và 20-25% về giá trị… Những bộ phận thiết bị phức tạp được các đơn vị trong nước gia công, chế tạo theo thiết kế và giám sát của chuyên gia nước ngoài, còn các dây chuyền tản nhiệt điện đều phải nhập ngoại. Đây chính là những băn khoăn của nhiều đại biểu tại Hội thảo Nghiên cứu thiết kế chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than công suất tổ máy đến khoảng 600 MW do Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) và Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức ngày 2/7/2019 tại Hà Nội.
Để thúc đẩy phát triển ngành cơ khí chế tạo trong nước, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của nhà nước, các đơn vị trong nước cần mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu - phát triển, chủ động tham gia làm tổng thầu các dự án quan trọng của đất nước với sự trợ giúp của tư vấn nước ngoài; khuyến khích hình thành các trung tâm cơ khí chế tạo dây chuyền thiết bị công nghệ đồng bộ quốc gia; tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin phục vụ thiết kế, chế tạo các thiết bị đồng bộ…
Tin và ảnh: Xuân Diện

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)