Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh Thanh Hóa thông qua, mục tiêu đặt ra là đến năm 2026, toàn bộ người dân, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người lao động đều phải được tiếp cận và trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng cơ bản về công nghệ số. Những kỹ năng này không chỉ phục vụ nhu cầu công việc mà còn hướng đến nâng cao chất lượng sống thông qua việc sử dụng các nền tảng và dịch vụ chuyển đổi số. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp then chốt. Trong đó, một trong những trọng tâm là tăng cường truyền thông, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích của việc học tập và ứng dụng công nghệ số. Song song với đó là các giải pháp đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển mạng lưới viễn thông đến từng thôn, bản, đảm bảo mọi người dân đều có thể truy cập Internet và sử dụng các nền tảng kỹ thuật số một cách hiệu quả.

Phát biểu tại Lễ phát động, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là một xu thế tất yếu mà còn là chiến lược phát triển mang tính quyết định. Do đó, việc xây dựng xã hội số, công dân số phải được triển khai đồng bộ, lấy người dân làm trung tâm và đảm bảo tính bao trùm trong mọi khía cạnh. Các cấp chính quyền, các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần cùng chung tay triển khai phong trào, để chương trình có chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực, lâu dài. Nếu thực hiện hiệu quả, “Bình dân học vụ số” không chỉ nâng cao năng lực công nghệ cho người dân mà còn giúp tỉnh Thanh Hóa vươn lên mạnh mẽ trong hành trình hội nhập và phát triển trong thời đại số.
Phong trào được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào việc xây dựng xã hội học tập hiện đại tại địa phương, tạo tiền đề cho lực lượng lao động có tri thức, thích ứng nhanh với sự thay đổi của nền kinh tế số. Đây chính là chìa khóa để tỉnh Thanh Hóa không chỉ bắt kịp mà còn có thể dẫn đầu trong một số lĩnh vực trọng điểm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Xuân Bình