GS.TS Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, mặc dù tiềm năng rất lớn, nhưng quá trình chuyển đổi sang mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao tại Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với không ít khó khăn. Trước hết, tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ nước tăng cao, mưa bão thất thường và xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, làm thay đổi toàn bộ sinh thái tự nhiên, đe dọa nguồn nước ngọt vốn dĩ là nền tảng cho nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, phần lớn hộ nuôi còn sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư ban đầu để tiếp cận công nghệ hiện đại như hệ thống nuôi tuần hoàn, sensor giám sát nước tự động hay thiết bị cho ăn thông minh. Cơ sở hạ tầng ở nhiều vùng nuôi cũng chưa đồng bộ, thiếu điện, thiếu hệ thống cấp/thoát nước đạt chuẩn, gây khó khăn cho việc ứng dụng công nghệ mới. Ngoài ra, trình độ kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế; việc thiếu kiến thức về vận hành hệ thống công nghệ cao dẫn đến rủi ro thất bại trong thực tế sản xuất. Thêm vào đó, đầu ra sản phẩm thủy sản công nghệ cao chưa thực sự ổn định, giá bán chưa đủ hấp dẫn để bù đắp chi phí đầu tư, khiến nhiều nông hộ e ngại trong việc chuyển đổi mô hình. Tất cả những thách thức này đòi hỏi cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính sách, khoa học, công nghệ và thị trường tiêu thụ để quá trình phát triển nuôi thủy sản công nghệ cao trở nên khả thi và bền vững hơn.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về những công nghệ mới, tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… trong quá trình triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xuân Diện - Thúy Yên