Lean từ mô hình…
Lean phù hợp với mọi loại hình doanh nghiệp và các ngành nghề. Lean khi được áp dụng sẽ có hiệu quả ngay từ ban đầu bởi Lean giúp cải thiện thời gian và chu kỳ sản xuất. Từ đây, các nguồn lực đầu vào được tối ưu, năng suất lao động sẽ tăng lên đáng kể và hiệu suất tạo ra sản phẩm chất lượng cao cũng được nâng lên. Bởi vì, Lean sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu các liên quan đến di chuyển, những thao tác thừa trong quá trình vận hành nhờ mối quan hệ người - người và giữa người - máy móc, trang thiết bị. Từ đây, quá trình vận hành được tinh gọn, chu kỳ giữa người và máy móc nhịp nhàng để hiệu quả công việc được thúc đẩy, chuyên nghiệp.
Khi áp dụng Lean, doanh nghiệp sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc đầu tư và đổi mới công nghệ. Bởi Lean được các chuyên gia năng suất đánh giá là công cụ truyền cảm hứng, thiết lập cho doanh nghiệp ý thức trong vấn đề đổi mới công nghệ và đầu tư các dây chuyền sản xuất tiên tiến vào hoạt động. Hơn hết, công nghệ chính là chìa khóa để năng suất mở ra cho kỷ nguyên mới - kỷ nguyên mà mọi rào cản về lãng phí, di chuyển hay những chi phí phát sinh được loại bỏ tối đa.
Từ khi ra đời cho đến nay, nhiều cuộc khảo sát đã chứng minh Lean giúp doanh nghiệp lớn tại những quốc gia phát triển giảm trung bình tới 7% giá vốn. Điều này có thể khẳng định, nếu các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng thì sẽ tiết kiệm được chi phí cao hơn. Bởi trình độ quản lý doanh nghiệp của Việt Nam còn nhiều hạn chế gây ra nhiều lãng phí không cần thiết.

Lean không chỉ mang lại những giá trị cho doanh nghiệp trong việc thay đổi năng suất mà còn giúp doanh nghiệp nhận thức được vai trò của công nghệ cao tạo ra sản phẩm chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Lean là đòn bẩy cho mọi doanh nghiệp để hướng tới mục tiêu vượt trội trong năng suất tạo ra mức đầu ra như mong muốn của doanh nghiệp và tiết kiệm được các chi phí đầu vào. Khi áp dụng Lean, doanh nghiệp giải quyết được các vấn đề về thời gian, nhân công, máy móc, vận hành và nhất là nguyên vật liệu được tinh gọn, không bị dư thừa, lãng phí. Với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi áp dụng Lean sẽ tận dụng được mọi nguồn lực. Khi các nguyên liệu dôi dư, Lean sẽ giúp phân loại và tái sử dụng cho các lần sau. Hơn hết, khi vận hành sản xuất với công cụ Lean các phòng ban tại doanh nghiệp sẽ có kế hoạch cụ thể dựa vào tình hình sản xuất, đơn hàng, không còn các lãng phí từ đây tạo nên giá trị kinh doanh. Công nhân khi vận hành với Lean sẽ có năng suất lao động cao nhờ tối ưu việc di chuyển, vận hành máy móc. Chẳng vậy mà, nhiều doanh nghiệp Việt đã áp dụng Lean và có những bước tiến lớn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp đã nâng cao khả năng cạnh tranh và hướng tới mang sản phẩm cạnh tranh với những thị trường khó tính nhờ sản phẩm chất lượng, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe.
… đến những điển hình thành công
Với Công ty Cổ phần may Hưng Nhân, theo kết quả mà các chuyên gia năng suất của Viện Năng suất Việt Nam (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã hướng dẫn áp dụng công cụ Lean, đo lường…; sau thời gian đầu thực hiện đã cho thấy hiệu quả tức thì. Tại Công ty, các công đoạn trong sản xuất đều được hoạch định và phân chia rõ ràng. Mặt bằng sản xuất được áp dụng tích hợp với công cụ 5S nên sạch sẽ, mọi nguyệt vật liệu được sắp xếp khoa học, bài bản. Nhờ vậy mà, các sản phẩm của Công ty đã tăng đến 30% trong khi đó nguồn nhân lực không tăng thêm. Đặc biệt, lượng hàng tồn được tái sản xuất hoặc có các phương án tái sử dụng lên đến 80%. Đây là một trong những kết quả mà chuyên gia đánh giá, nếu không áp dụng Lean thì doanh nghiệp đã lãng phí tài nguyên, chi phí và nhất là nhân công lớn.
Theo ông Nguyễn Lộc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dây cáp điện Việt Nam (CADIVI) cho biết, nhờ Lean và tích hợp các công cụ nâng cao năng suất đã mang lại cho doanh nghiệp giá trị sản xuất và kinh doanh vượt trội. Lợi nhuận của Công ty từ 8,6 tỷ đồng năm 2005 đã tăng lên 60 tỷ đồng vào năm 2009, doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng. Điều khác biệt khi áp dụng các công cụ quản lý hiệu quả kinh tế được đo lường và đánh giá một cách cụ thể, giảm thiểu các chi phí thừa, nhầm lẫn. Chính vì thế, chỉ riêng trong sản xuất hàng năm giảm được 15-20% các chi phí ẩn và trung bình, áp dụng kết hợp các công cụ giúp giảm được khoảng 25% chi phí ẩn. Nhờ Lean, doanh nghiệp này đã có sự chủ động hơn trong việc đầu tư vào công nghệ cao từ những nước phát triển hàng đầu trên thế giới. Bởi doanh nghiệp ý thức được rằng, công nghệ chính là cánh cửa mở ra những chân trời xuất khẩu và đưa sản phẩm Việt Nam tạo dựng được chỗ đứng, cạnh tranh trên những thị trường khó tính.
Nam Dương