Thứ sáu, 04/04/2025 14:05

Bản sao số của thành phố: Giải pháp giúp quản lý hiệu quả và tối ưu hóa các nguồn tài nguyên

Căn cứ Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia; Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW; để thống nhất nhận thức và tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản hướng dẫn làm rõ định nghĩa, nội hàm, lượng hóa một số khái niệm mới trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia. Trong đó, có định nghĩa và nội hàm về bản sao số của thành phố.

Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh, thành phố có đủ điều kiện. Thu hút thêm ít nhất 3 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam; quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu… Phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hoá số đạt mức cao của thế giới. Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu.

Theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bản sao số (Digital Twin) của thành phố được định nghĩa là mô hình số của một thành phố, được tạo ra bằng cách sử dụng dữ liệu thời gian thực, công nghệ mô phỏng và các hệ thống phân tích để tái hiện cấu trúc vật lý của thành phố và các quy trình diễn ra trong thành phố đó. Bản sao số của thành phố giúp quản lý thành phố được hiệu quả và tối ưu hóa các nguồn tài nguyên của thành phố.

Bản sao số TP Gothenburg, Thụy Điển (nguồn: esri.com).

Nội hàm về bản sao số của thành phố gồm các đặc trưng: i) Là một phiên bản kỹ thuật số chi tiết của thành phố, bao gồm các yếu tố vật lý (như tòa nhà, đường xá, cầu cống…) và phi vật lý (dân số, giao thông, kinh tế, môi trường…); ii) Được xây dựng dựa trên dữ liệu thu thập liên tục từ nhiều nguồn như cảm biến IoT, camera, hệ thống định vị toàn cầu (GPS), các hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin, dữ liệu từ người dân, doanh nghiệp; iii) Các thành phần trong bản sao số (hạ tầng, con người, môi trường) được kết nối với nhau, phản ánh mối quan hệ tương tác trong thực tế; iv) Cho phép mô phỏng các kịch bản (như ùn tắc giao thông, ngập lụt, tăng dân số…) và dự đoán xu hướng tương lai dựa trên dữ liệu và thuật toán phân tích để hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu; v) Sử dụng các công nghệ nền tảng, bao gồm IoT, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công nghệ mô phỏng 3D, VR, AR…; vi) Được ứng dụng trong công tác quản lý đô thị (giao thông, năng lượng, môi trường…), quy hoạch xây dựng, ứng phó với các tình huống khẩn cấp và giúp nâng cao tương tác giữa chính quyền với người dân thông qua sự tham gia tích cực của người dân trên các nền tảng, dịch vụ số của chính quyền.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất cách thức tổ chức thực hiện như sau:

Với các bộ, ngành: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng khung pháp lý và chính sách hỗ trợ việc triển khai thí điểm bản sao số cho thành phố, trong đó bao gồm chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển khai để làm chủ giải pháp, công nghệ. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn liên quan để phát triển bản sao số của thành phố.

Với các địa phương: chủ động nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm triển khai bản sao số cho thành phố; triển khai thực hiện Đề án thí điểm với lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, trong đó trước mắt ưu tiên triển khai cho hệ thống cảm biến để quản lý hạ tầng kỹ thuật của thành phố, hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan đến người dân, doanh nghiệp để hỗ trợ việc số hóa, thu thập và chia sẻ dữ liệu; giám sát hiệu quả hạ tầng kỹ thuật của thành phố thông qua bản sao số để tối ưu hóa việc vận hành (giao thông, các công trình công cộng…), tiết kiệm và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên của thành phố (nước, năng lượng, quỹ đất…); giám sát thực hiện công tác quy hoạch và thực thi quy hoạch xây dựng. Phát triển các hệ thống, công cụ xử lý dữ liệu để hỗ trợ lãnh đạo chính quyền ra quyết định dựa trên dữ liệu và đưa vào triển khai ứng dụng (thay cách thức truyền thống). Tăng cường sử dụng và đề ra các yêu cầu về mức độ sử dụng công nghệ số để hỗ trợ phát triển thành phố theo hướng bền vững, xanh và thông minh.

Với các doanh nghiệp công nghệ số: nghiên cứu và cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến, làm chủ công nghệ, giải pháp bản sao số cho thành phố. Tích hợp mô hình thông tin đô thị CIM (City Information Modelling) và mô hình thông tin xây dựng BIM (Building Information Modelling) nhằm xây dựng các mô hình toàn diện, cho phép quản lý thông tin đô thị và xây dựng một cách đồng bộ, từ quy hoạch đô thị đến bảo trì công trình; phát triển hệ sinh thái các sản phẩm và dịch vụ mới dựa trên ứng dụng bản sao số để cung cấp cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)