Thứ sáu, 21/02/2025 11:34

Kinh nghiệm trong phát triển vận tải và điều khiển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị tại Trung Quốc

Ngày 20/02/2025 tại Hà Nội, Trường Đại học Giao thông Vận tải phối hợp với Đại học Giao thông Bắc Kinh và Hiệp hội Đường sắt Đô thị Trung Quốc tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Kinh nghiệm trong phát triển vận tải và điều khiển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị tại Trung Quốc”. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi được nhiều từ Trung Quốc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong thời gian tới.

Nhiều bất cập của ngành đường sắt

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu kết nối vùng ngày càng cao, việc xây dựng và vận hành hệ thống đường sắt hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững. Phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt hiện đại, bền vững là tinh thần của Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 28/02/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông Vận tải phát biểu khai mạc. (ảnh: PV)

Tuy nhiên, hệ thống đường sắt hiện tại của nước ta phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có; hạ tầng và công nghệ đường sắt sau nhiều năm khai thác đã trở nên lạc hậu và xuống cấp nghiêm trọng; sản lượng và thị phần vận tải chiếm tỷ thấp so với vận tải đường bộ và đường biển… Đặc biệt, tiến độ thực hiện đầu tư các dự án đường sắt đô thị/đường sắt trên cao còn chậm; việc ứng dụng thành tựu của công nghệ vào khai thác và vận hành còn chậm; hệ thống quy chuẩn kỹ thuật còn nhiều bất cập…

Nên làm đường sắt tốc độ cao 250-350 km/giờ

Nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực đường sắt trong phát triển kinh tế - xã hội, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã chủ động hoàn thiện chương trình đào tạo tích hợp đường sắt hiện đại; tích cực hợp tác với các trường đại học, tổ chức quốc tế nhằm nghiên cứu, chia sẻ tri thức và tiến tới làm chủ công nghệ cốt lõi về đường sắt hiện đại.

PGS.TS Nguyễn Thành Chương thông tin thêm, Trung Quốc là một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực đường sắt với những thành tựu ấn tượng về quy hoạch, phát triển và quản lý khai thác hệ thống đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

GS Wang Chao - Đại học Giao thông Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch cho hệ thống đường sắt cao tốc vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, dựa theo mô hình đường sắt tốc độ cao Shinkansen của Nhật Bản. Dịch vụ đường sắt cao tốc Trung Quốc bắt đầu hoạt động vào năm 2008, chạy ở tốc độ từ 250 đến 350 km/giờ. Mạng lưới đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đạt hơn 38.000 km vào năm 2025 và 45.000 km trong tương lai. Để phát triển đường sắt cao tốc, trước đó Trung Quốc đã liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài để triển khai, sau đó đã từng bước phát triển năng lực sản xuất nội bộ, chủ động nghiên cứu và làm chủ công nghệ chế tạo trang thiết bị và hiện là quốc gia có nhiều hợp đồng triển khai đường sắt cao tốc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với việc làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị đường sắt cao tốc, việc di chuyển của người dân bằng phương tiện này ở Trung Quốc đã trở lên thuận tiện và có giá thành cạnh tranh so với các phương tiện khác.

GS Wang Chao - Đại học Giao thông Bắc Kinh chia sẻ tại Tọa đàm. (ảnh: PV)

Theo quan điểm của GS Wang Chao, để phát triển lĩnh vực đường sắt cao tốc, Việt Nam nên nghiên cứu mô hình đường sắt tốc độ cao theo hướng tốc độ từ 250-350 km/giờ. Đặc biệt, GS Wang Chao cho rằng, để phát triển và hội nhập, Việt Nam nên đẩy mạnh phát triển lĩnh vực đường sắt vì đường sắt cao tốc sẽ mang lại nhiều hiệu quả, trong đó cả về kinh tế, xã hội, chính trị…, góp phần thúc đẩy phát triển các địa phương nơi các tuyến đường sắt cao tốc đi qua.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm thực tiễn quy hoạch tích hợp hệ thống đường sắt vào đô thị tại Trung Quốc, GS Han Baoming - Đại học Giao thông Bắc Kinh cho rằng, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, do đó việc triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là thực sự cần thiết. Việt Nam cần nâng cao năng lực nghiên cứu, đồng thời tích cực hợp tác với các nước có ngành công nghiệp đường sắt phát triển để xây dựng phương án triển khai phù hợp với thực tiễn của đất nước và điều kiện thực tế của Việt Nam.

Đồng tình với những chi sẻ trên, TS Jiang Bo - Hiệp hội Đường sắt Đô thị Trung Quốc cũng có những chia sẻ tổng quan về phát triển các hệ thống điều khiển đoàn tàu đường sắt đô thị tại Trung Quốc và đề xuất việc phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam; TS Nguyễn Thị Hoài An, TS Nguyễn Tiến Quý, TS Vũ Hồng Trường và PGS.TS Nguyễn Duy Việt - Trường Đại học Giao thông Vận tải cũng đã có những chia sẻ về khả năng vận hành liên thông cho mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội; công nghệ vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị trong các dự án ODA tại Việt Nam; kinh nghiệm bước đầu nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường sắt đô thị; vấn đề sử dụng, quản lý, làm chủ, nghiên cứu phát triển các hệ thống thông tin, hệ thống tín hiệu ở Việt Nam.

Tọa đàm là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi, thảo luận và học hỏi từ những kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia hàng đầu đến từ Trung Quốc, góp phần tìm kiếm các giải pháp phù hợp cho sự phát triển hệ thống đường sắt tại Việt Nam trong tương lai.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)