Thứ năm, 20/02/2025 15:36

Nghị quyết 57: Nền tảng để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu

Vũ Hưng

“Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (KH,CN,ĐMST&CĐSQG) là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”. Đây là một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng của Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH,CN,ĐMST&CĐSQG (Nghị quyết 57). Để Nghị quyết này đi vào cuộc sống, cần phải có chương trình hành động tổng thể, toàn diện, được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng và các giải pháp mang tính khả thi cao.

Nghị quyết mang tính đột phá

Nghị quyết 57 đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo: 1) Phát triển KH,CN,ĐMST&CĐSQG là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại…; 2) Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân đối với phát triển KH,CN,ĐMST&CĐSQG...; 3) Thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước…; 4) Phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược…; 5) Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời...

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KH,CN,ĐMST&CĐSQG diễn ra ngày 13/01/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Nghị quyết 57 là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực  KH,CN,ĐMST&CĐSQG, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng; là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quan cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Thủ tướng nhấn mạnh KH,CN,ĐMST&CĐSQG đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững: 1) Giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát  triển, tránh nguy cơ tụt hậu kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ; 2) Là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; 3) Tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước; 4) Góp phần bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.

Nghị quyết 57 được nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và đông đảo người dân hồ hởi đón nhận và cho rằng, đúng với tên gọi, Nghị quyết 57 mang tính đột phá cả về quan điểm, mục tiêu và giải pháp. Theo TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Nghị quyết 57 có 5 đột phá quan trọng1:

Thứ nhất, đặt ra mục tiêu cụ thể ở mức cao đến năm 2030 và 2045: đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Đến 2045 Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50%, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Thứ hai, xác định phải tăng đầu tư cho KH,CN,ĐMST&CĐSQG:  kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KH,CNĐMST&CĐSQG và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

Nghị quyết 57 xác định kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60% (nguồn: Bùi Tuấn).

Thứ ba, đột phá về tư duy trong quản lý đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động R&D: ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Thứ tư, xác định "chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo".

Thứ năm, tính khả thi trong tổ chức thực hiện Nghị quyết: lần đầu tiên người đứng đầu Đảng ta trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết và bên cạnh Ban chỉ đạo còn có Hội đồng tư vấn gồm các nhà quản lý và các nhà khoa học có trình độ và uy tín.

Nghị quyết 57 cần phải được thực hiện bài bản, đồng bộ

Ngày 09/01/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 57. Đây là Chương trình hành động tổng thể, toàn diện, được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng và các giải pháp mang tính khả thi cao. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Nghị quyết không chỉ dừng lại ở việc quán triệt nhận thức, mà còn phải được thực hiện bằng những bước đi mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, thống nhất với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KH,CN,ĐMST&CĐSQG diễn ra ngày 13/01/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết 57:

Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia diễn ra ngày 13/01/2025 (nguồn: VGP/Nhật Bắc)

Một là, thống nhất nhận thức và hành động: xác định phát triển KH,CN,ĐMST&CĐSQG là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Các cấp ủy, chính quyền cần cụ thể hóa Nghị quyết bằng các kế hoạch sát thực tiễn, lấy kết quả triển khai làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng. Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý. Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển.

Hai là, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách: trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển KH,CN,ĐMST&CĐSQG, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm (những quy định nào cần loại bỏ thì bỏ luôn, luật nào phải sửa thì sửa luôn, đồng bộ, thống nhất, tinh thần là thông thoáng, 1 nội dung chỉ quy định ở 1 luật. Cần có tư duy mới, cách tiếp cận trong sửa đổi Luật Công nghệ thông tin, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Luật Viên chức đồng bộ hóa các quy định pháp luật có liên quan).

Ba là, khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về khoa học và công nghệ: trong Quý I/2025, hoàn thành việc sắp xếp lại các tổ chức khoa học và công nghệ; tập trung đầu tư trọng điểm để phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh. Có kế hoạch cụ thể để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài khoa học, công nghệ. Triển khai các giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt và người nước ngoài tới làm việc. Các thủ tục liên quan đến vấn đề này phải thực sự thông thoáng hơn nữa, thậm chí phải có tính cạnh tranh cao so với các nước khác mới thu hút được.

Bốn là, ưu tiên bố trí ngân sách cho KHCN xứng tầm là quốc sách đột phá: bố trí ngân sách cho khoa học và công nghệ, R&D, lập các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo... Nghiên cứu cơ chế cho mô hình "đầu tư công - quản trị tư", bảo đảm nhà khoa học có quyền chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Năm 2025, năm đầu thực hiện Nghị quyết 57, Chính phủ cần đổi mới kế hoạch bố trí ngân sách cho phát triển KH,CN,ĐMST&CĐSQG, đề nghị Chính phủ bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng lên tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo. Sớm công bố chính sách này và hướng dẫn thủ tục thực hiện thuận lợi.

Năm là, nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: ban hành cơ chế thu hút nhân tài nói chung, đặc biệt là nhân tài khoa học và công nghệ, nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế, với các chính sách hấp dẫn về quốc tịch, thu nhập, nhà ở và môi trường làm việc. Thủ tục liên quan phải thông thoáng, hấp dẫn, cạnh tranh với quốc tế. Xây dựng mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế, thường xuyên báo cáo kết quả với Ban Chỉ đạo Trung ương. Đẩy mạnh phong trào tôn vinh tài năng và sáng tạo, khơi dậy tinh thần yêu nước, cống hiến của các nhà khoa học. Tiếp tục duy trì phong trào học tập suốt đời, cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, trọng tâm là sau đại học, đại học và dạy nghề.

Sáu là, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm công nghệ số: ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hạ tầng như đã nêu trong Nghị quyết 57. Đặc biệt, cần chuẩn bị hạ tầng năng lượng cho 5-10 năm tới với trọng tâm là năng lượng sạch, đảm bảo đủ năng lượng cho phát triển bằng hành động cụ thể. Tối ưu hóa và nâng cấp hạ tầng số, xây dựng các trạm gốc 5G, mở rộng Internet băng thông rộng và phạm vi phủ sóng cáp quang. Phát triển hệ thống vệ tinh tầm thấp tốc độ cao. Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, triển khai Luật Dữ liệu và sàn giao dịch dữ liệu trong năm 2025. Trong năm 2025, Ban cán sự đảng Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, bổ sung Quy hoạch điện VIII, khai thác hiệu quả các tiềm năng như điện gió, điện mặt trời, triển khai xây dựng Nhà máy điện hạt nhân, đảm bảo nguồn điện bền vững. Đồng thời, cần quản lý, khai thác, bảo vệ hiệu quả khoáng sản, đặc biệt là đất hiếm, để phục vụ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Bảy là, tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, tránh dàn trải: cần ưu tiên nguồn lực cho một số ngành kinh tế có lợi thế và tiềm năng phát triển, tránh dàn trải, kém hiệu quả và lãng phí, bao gồm giải pháp công nghệ cho những vấn đề của thực tiễn đất nước như sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, an ninh lương thực, khoa học về sức khỏe con người, các ngành công nghiệp 4.0. Tập trung thúc đẩy các "mũi nhọn" chuyển đổi số, đặc biệt là triển khai Đề án 06 và xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Trong năm 2025, đảm bảo 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả; 100% thủ tục hành chính không bị giới hạn bởi địa giới hành chính cấp tỉnh. Đẩy nhanh kết nối và chia sẻ dữ liệu quan trọng trong các lĩnh vực như dân cư, tư pháp, giáo dục, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, phương tiện... Trung tâm dữ liệu quốc gia phải hoàn thành với dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" dẫn dắt chuyển đổi số toàn diện, tạo nền tảng phát triển kinh tế số và lực lượng sản xuất hiện đại giai đoạn 2026-2030, đáp ứng mục tiêu Nghị quyết 57.

Tám là, đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế: thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các quốc gia tiên tiến, nhất là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, bán dẫn và năng lượng tái tạo. Tích cực tham gia xây dựng các chuẩn mực quốc tế, trước mắt là trong khu vực ASEAN, thông qua các sáng kiến như Công ước Hà Nội. Chúng ta phải biết cách "đứng trên vai của những người khổng lồ". Thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực học hỏi, tiếp thu, làm chủ, cải tiến tri thức, công nghệ của thế giới.

Vũ Hưng

 

1TS Nguyễn Quân (2025), “Những đột phá mạnh mẽ của Nghị quyết 57”, https://baochinhphu.vn/5-dot-pha-cua-nghi-quyet-57-ve-khoa-hoc-cong-nghe-102250122165526123.htm, truy cập ngày 02/02/2025

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)