Kết quả về đổi mới sáng tạo
Ở nước ta, các điều kiện khung có lợi cho phát triển hệ thống ĐMST quốc gia đã được hình thành thông qua các chính sách về quyền sở hữu trí tuệ, đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát triển các quỹ hỗ trợ và phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST (KH,CN&ĐMST), tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh và đào tạo…; các chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện cơ chế tự chủ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ; một số tổ chức nghiên cứu và phát triển tiên tiến được thành lập với mục đích tạo ra những đột phá trong hoạt động KH,CN&ĐMST và các sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao; doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn về mức độ quan trọng của hoạt động ĐMST, hướng tới trở thành trung tâm của các hoạt động ĐMST. Xây dựng được bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) và áp dụng bộ chỉ số này để đánh giá xếp hạng năm 2023 và 2024 của 63 tỉnh, thành phố, qua đó cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST của từng địa phương. Hoạt động ĐMST của nước ta cũng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được thể hiện qua kết quả bộ chỉ số ĐMST toàn cầu (GII), ví dụ, năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 (nguồn: most.gov.vn).
Kết quả về khởi nghiệp sáng tạo
Hệ sinh thái KNST của Việt Nam đang từng bước phát triển, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Trong những năm qua, Nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ KNST và đạt được kết quả sau: Mạng lưới hỗ trợ KNST đã và đang phát triển tương đối năng động và hiệu quả với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái. Trung tâm hỗ trợ KNST quốc gia đang hình thành tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương. Hơn 20 địa phương đã và đang thành lập các trung tâm KNST để kết nối các nguồn lực địa phương, vùng và quốc gia. Năm 2022, hệ sinh thái KNST của Việt Nam tăng 5 bậc lên vị trí thứ 54 sau 2 năm duy trì ở vị trí thứ 59 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink. Năm 2023, Việt Nam ước tính có khoảng 3.800 doanh nghiệp KNST, trong đó 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng nhà đầu tư thiên thần tuy không quá lớn nhưng cũng đang tăng dần. So với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư cho các doanh nghiệp KNST, sau Indonesia và Singapore.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hoạt động ĐMST và KNST ở nước ta trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Một là, trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính hiện đang sử dụng các từ ngữ ĐMST, KNST theo các cách hiểu khác nhau gây không chuẩn xác, không thống nhất… trong thực thi các hoạt động chuyên môn và trong công tác quản lý nhà nước. Cụ thể: Hiện có nhiều tên gọi và quy định khác nhau về điều kiện, tiêu chí, thẩm quyền, cơ chế, chính sách đối với việc thành lập và hoạt động của các tổ chức, cá nhân thực hiện, hỗ trợ ĐMST và KNST trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hành chính; một số “từ ngữ” được sử dụng, đề cập rộng rãi nhưng chưa có định nghĩa thống nhất. Nhiều tổ chức có chức năng, nhiệm vụ không tương đồng với lĩnh vực hoạt động, không tương đồng với tên gọi, gây ra nhầm lẫn, khó khăn trong quản lý và trong thực thi các cơ chế, chính sách. Ngoài ra, một số đối tượng liên quan đến ĐMST và KNST chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; các văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi và đối tượng điều chỉnh liên quan đến ĐMST và KNST được xây dựng, ban hành bởi nhiều cơ quan chủ trì khác nhau nhưng chưa có sự thống nhất xuyên suốt dẫn đến khó khăn, thậm chí không thực hiện được các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đặc biệt đối với các lĩnh vực chuyên ngành.
Hai là, mặc dù có sự giao thoa, nhưng ĐMST và KNST là khác nhau và cần phân biệt để có các ứng xử phù hợp. ĐMST là hoạt động nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, khai thác tài sản trí tuệ và các hoạt động cần thiết khác để tạo ra hàng hoá mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, quy trình mới hoặc cải tiến đáng kể so với hàng hoá, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình đã có; đồng thời phải được áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị gia tăng và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. KNST tập trung vào tinh thần kinh thương với hoạt động chính là gọi vốn hoặc IPO để đầu tư, tạo ra mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới, doanh nghiệp mới. Doanh nghiệp KNST thường được thành lập với mục đích đột phá các thị trường hiện có hoặc tạo ra những thị trường hoàn toàn mới dựa trên công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp KNST có tiềm năng phát triển và mở rộng nhanh chóng, chấp nhận rủi ro cao để đổi lại cơ hội tăng trưởng nhanh. Do vậy, doanh nghiệp KNST thường phụ thuộc vào các nguồn vốn bên ngoài như vốn đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần hoặc quỹ đầu tư để tài trợ cho phát triển sản phẩm, tiếp thị và mở rộng kinh doanh. Tuy có phần giao thoa nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tổ chức KNST là 02 nhóm đối tượng và 02 hoạt động hoàn toàn khác nhau về giai đoạn phát triển, cách tiếp cận hoạt động kinh doanh, khả năng chịu rủi ro, nguồn vốn và mục tiêu hướng đến, do đó đòi hỏi khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách hỗ trợ khác nhau. Do chưa có hành lang pháp lý riêng cho KNST, thời gian qua hoạt động KNST được lồng ghép vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy đã phát huy được một số kết quả nhất định nhưng cũng làm cho tổ chức KNST nhiều khi bị “hiểu nhầm” là doanh nghiệp SME.
Ba là, các hoạt động ĐMST, KNST đang được quản lý chung với hoạt động khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh phát triển mới đặt ra yêu cầu cần phải xác định, làm rõ các đối tượng đã có, đồng thời bổ sung các đối tượng mới phát sinh liên quan đến ĐMST, KNST để có các biện pháp quản lý phù hợp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi tri thức, công nghệ thành giá trị, đáp ứng vai trò dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là, cần thiết phải chính thức hóa các sự kiện về ĐMST, KNST với quy mô khác nhau (địa phương, quốc gia, quốc tế...) và các hoạt động đã được kiểm chứng về tính hiệu quả trong thời gian qua nhằm thúc đẩy tương tác, liên kết giữa các thành tố trong hệ thống ĐMST, hệ sinh thái KNST, đồng thời làm căn cứ cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực triển khai.
Hiện các vấn đề lớn, mang tính nguyên tắc như chính sách sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho ĐMST, KNST, mô hình quỹ quốc gia về ĐMST, KNST, các chính sách ưu đãi về thuế, sử dụng tài sản công... đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác nhau và cần thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu để thống nhất, đồng bộ hoá và luật hoá trong Luật KH,CN&ĐMST.
Trong thời gian chờ Luật KH,CN&ĐMST được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng nghị định của Chính phủ quy định một số nội dung về ĐMST và KNST nhằm làm rõ khái niệm, nội hàm về ĐMST và KNST; phân biệt KNST, ĐMST với các chủ thể khác; thống nhất sử dụng các từ ngữ trong hoạt động ĐMST và KNST; quy định về phân loại, tiêu chí xác định, công nhận đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động, hỗ trợ ĐMST và KNST; thống nhất, đồng bộ hóa các cơ chế, chính sách hiện đang quy định phân tán trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau...
CT