Thứ hai, 10/06/2019 17:59

Startup Việt vô địch đấu trường quốc tế

Ngày 17/5/2019, Abivin - giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia năm 2018 (Techfest Vietnam 2018) đã vượt qua hơn 40 đại diện đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới để vinh dự trở thành quán quân của Startup World Cup[1] (tổ chức tại Mỹ), giành giải thưởng 1 triệu USD. Thành công này của Abivin không chỉ mang lại niềm tự hào, nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao cho các startup Việt mà còn là một minh chứng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam trong mấy năm gần đây.

[1]Giải thưởng Startup World Cup là cuộc thi về khởi nghiệp hàng đầu thế giới do Fenox Ventures tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia là các nhà đầu tư lâu năm từ thung lũng Silicon và các doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp thế giới. Chương trình cộng tác với các cuộc thi uy tín của hơn 40 quốc gia mỗi năm và tổ chức đêm chung kết tại Mỹ.


Abivin: niềm tự hào của startup Việt

Dựa trên nền tảng công nghệ dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning), Abivin tập trung phát triển các phần mềm giải quyết các vấn đề về quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa (Supply Chain Management) và giải pháp giao hàng tối ưu tích hợp hoạch định tuyến đường, giúp tiết kiệm chi phí logistics, số hóa quá trình giao hàng, tăng năng suất và hiệu quả công việc. Phần mềm Abivin vRoute của startup này có thể giúp tạo ra lộ trình nhanh nhất cho hàng trăm xe giao hàng, hàng nghìn đơn hàng trong vài giây, giúp tiết kiệm 30-40% chi phí nhân lực và nhiên liệu, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ngoài ra, phần mềm Abivin vRoute còn bao gồm nhiều tính năng khác như quản lý tồn kho, quản lý nhà vận tải thuê ngoài, vận tải đa phương thức (xe tải, xe máy, container, sà lan), quản lý giao hàng lạnh hay giao hàng nhiều ngày… Mặc dù mới chỉ thành lập từ năm 2015, song hiện nay trong danh sách khách hàng của Abivin có mặt nhiều tập đoàn đa quốc gia sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới như Procter and Gamble (P&G), Friesland Campina (Cô gái Hà Lan), A.O.Smith...

Hai nhà sáng lập của Abivin là cặp vợ chồng trẻ Phạm Nam Long và Nguyễn Hoàng Anh. Phạm Nam Long là cựu học sinh chuyên toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh từng đạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế trong môn toán, tin học và vật lý. Năm 2011, Nam Long tốt nghiệp Đại học Cambridge (Anh) chuyên ngành Khoa học máy tính, sau đó lấy bằng thạc sỹ ngành máy học tại Đại học Bristol (Anh). Trước khi về Việt Nam khởi nghiệp với Công ty Abivin, anh từng có 4 tháng làm việc cho Google (Mỹ). Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Anh tốt nghiệp ngành kinh doanh quốc tế tại Đại học Đông Nam Phần Lan. Hoàng Anh có kinh nghiệm làm việc ở Công ty Third Party Logistic (3PL - Dịch vụ cung ứng trọn gói) và Công ty phần mềm Sixth Gear Studios (nay là Gear Inc). Hiện cô đảm nhiệm vị trí COO (giám đốc vận hành) của Abivin.

Chia sẻ về quan điểm và lý do trở về nước khởi nghiệp, Phạm Nam Long cho biết: “khởi nghiệp sáng tạo mặc dù có nhiều rủi ro, song là con đường ngắn nhất có thể biến những năng lực, ý thích, ước mơ của mình thành hiện thực. Kết quả đạt được sẽ là sản phẩm của chính mình, do mình quyết định, tạo nên. Thế giới đang tiến vào thời kỳ cách mạng 4.0 với việc ứng dụng rất nhiều kiến thức liên quan đến lĩnh vực mà tôi đã được đào tạo như phân tích, xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, học máy. Trong khi đó, ở Việt Nam còn tồn tại rất nhiều vấn đề về xã hội, kinh tế, môi trường... cần phải có những công nghệ tiên tiến để giải quyết. Nếu khởi nghiệp tại Việt Nam, mình có thể trực tiếp góp phần nhỏ vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước".

Sau khi vô địch Startup World Cup, Phạm Nam Long cho biết sẽ sử dụng 1 triệu USD đầu tư để tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm với trí tuệ nhân tạo trong logistics để giải quyết bài toán lõi về công nghệ tối ưu hóa tìm đường. Bên cạnh đó, Abivin sẽ mở rộng thị trường tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và chuẩn bị cho sự thâm nhập vào thị trường Myanmar, Singapore, Thái Lan và Indonesia. Tham vọng của Phạm Nam Long là đưa startup của mình thành một unicorn (startup kỳ lân) của Việt Nam.

 

Một thành quả của hệ sinh thái khởi nghiệp

Chia sẻ về những yếu tố tạo nên thành công của Abivin, Phạm Nam Long  khẳng định 3 yếu tố cốt lõi đó là: tìm được đúng vấn đề mà thị trường cần; có đội ngũ nhân sự mạnh, đoàn kết; và đặc biệt là có: những hỗ trợ từ phía Chính phủ, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844)[1] đã giới thiệu các chuyên gia, cố vấn, đứng ra chủ trì tổ chức các chương trình và kết nối Abivin với hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế”.

          Trong những năm khởi đầu còn nhiều khó khăn, Abivin đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời cả về vật chất và tư vấn chuyên gia từ Chương trình đối tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) do Bộ KH&CN quản lý. Tiếp đó, startup này đã tham gia và trở thành nhà vô địch Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia năm 2018 tại Techfest Vietnam 2018 (sự kiện do Bộ KH&CN tổ chức thường niên từ năm 2015) với giải thưởng là khóa huấn luyện tăng cường đặc biệt trị giá 1.200 USD cùng vé tham quan và học tập tại Silicon Valley (Mỹ). Thông qua việc tham gia vào các sự kiện như Techfest Vietnam, Abivin có điều kiện để đến với các chương trình quốc tế và dành được nhiều thành công như giành giải “Startup Logistics và Chuỗi cung ứng tốt nhất” ở Giải thưởng tôn vinh cộng đồng khởi nghiệp ASEAN - Rice Bowl Startup Awards (RBSA)[2] và mới đây nhất là vô địch cuộc thi Startup World Cup tại Mỹ. Bản thân Phạm Nam Long cũng nhận định: giống như nhiều startup khác ở Việt Nam, chúng tôi đang “gặp thời” khi mà Đảng, Chính phủ đang thực sự quan tâm đến khởi nghiệp ĐMST và có nhiều chính sách, hoạt động thiết thực hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST. Điều này không chỉ khuyến khích mà thực sự mang lại những thuận lợi cho các startup.

Ngược lại, sự thành công của những startup như Abivin cũng đã góp phần khẳng định sự thay đổi về chất của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mà Chính phủ Việt Nam và các cơ quan quản lý đang nỗ lực xây dựng. Thực tế cho thấy, sau 3 năm triển khai Đề án 844, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt. Khung pháp lý ban đầu về đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST đã được xây dựng. So với năm 2016, số lượng không gian làm việc chung tăng hơn 50% với khoảng 70 khu, gần 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam. Năm 2018, doanh nghiệp khởi nghiệp đã thu hút lượng vốn đầu tư lên tới 890 triệu USD (cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017). Các hoạt động phục vụ cho việc phát triển văn hóa khởi nghiệp ĐMST được tổ chức liên tục, rộng khắp trên mọi quy mô từ cấp trung ương tới địa phương, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam, như: Tuần lễ ĐMST và khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh, Cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt toàn cầu (VietChallenge), Cuộc thi khởi nghiệp dành cho phụ nữ (Wise Women Innovation Challenge)… Trong khuôn khổ Techfest Vietnam, các biên bản ghi nhớ hợp tác về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam với các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia… và các đối tác quốc tế khác được Bộ KH&CN tích cực triển khai. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hợp tác với Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu và cho ra đời Mạng lưới khởi nghiệp GEN Vietnam với gần 60 tổ chức, đơn vị thành viên… Tất cả các hoạt động này nhằm giúp các startup trong nước có cơ hội cọ sát, học hỏi và mở rộng kết nối, hợp tác đầu tư với các đối tác kinh doanh và nhà đầu tư quốc tế. Từ kinh nghiệm của mình, Phạm Nam Long chia sẻ:“Việc chúng ta có tầm nhìn quốc tế ngay từ đầu sẽ giúp cho startup với sản phẩm sáng tạo có được năng lực cạnh tranh quốc tế cao”.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam mới đang hình thành và sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Thông tin từ Ban điều hành Đề án 844 cho biết: trong năm 2020 Đề án sẽ tập trung vào các mục tiêu lớn: đào tạo, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp ĐMST; hỗ trợ hoạt động của các tổ chức ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung; kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với khu vực và thế giới; kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tham gia các khóa huấn luyện tập trung và ngắn hạn ở nước ngoài; xây dựng, phát triển mạng lưới các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, mạng lưới nhà đầu tư cá nhân và mạng lưới quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp... Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan quản lý và bản thân các startup, trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những startup thành công như Abivin và nhiều hơn nữa các unicorn của người Việt.



[1] Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016.

[2]Giải thưởng RBSA là giải thưởng có uy tín nhất trong khu vực Đông Nam Á dành cho những startup xuất sắc và những doanh nhân liên tục đổi mới và có năng lực lãnh đạo bền vững. Các startup đã đạt giải những năm trước bao gồm những cái tên nổi tiếng như Grab (Singapore), Go-Jek (Indonesia), Zoom (Malaysia)...

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)