Staphylococcus epidermidis - một loại vi khuẩn thường trú trên da người là yếu tố chính trong phương pháp để phát triển loại vắc-xin mới này. Đây là loại vi khuẩn hầu như vô hại, nhưng kết quả một số nghiên cứu trước đây cho thấy, loại vi khuẩn này có thể kích thích phản ứng miễn dịch mạnh mẽ giúp cơ thể sẵn sàng đối phó nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu qua các vết thương nhỏ.
GS Michael Fischbach - tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ, nghiên cứu trên mẫu máu từ người hiến cho thấy, mức kháng thể chống lại S. epidermidis cao tương đương với những gì chúng ta đạt được qua tiêm phòng theo cách truyền thống.
Trong tương lai, vắc-xin có thể được sử dụng dễ dàng như kem dưỡng da.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên chuột - loài không có S. epidermidis tự nhiên trên da. Khi bôi vi khuẩn này lên da chuột, mức kháng thể chống lại vi khuẩn tăng vượt mức mà các loại vắc-xin truyền thống có thể đạt được trong 6 tuần. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu tìm cách sử dụng cơ chế này để phát triển vắc-xin cho các mầm bệnh nguy hiểm hơn.
Nhóm nghiên cứu phát hiện một loại protein tên Aap trên bề mặt vi khuẩn kích thích sản sinh kháng thể. Sau đó, protein này được chỉnh sửa để mang độc tố uốn ván. Chuột được bôi vi khuẩn biến đổi gen này lên da trong 6 tuần. Khi kiểm tra, nhóm nghiên cứu nhận thấy vi khuẩn đã biến đổi có mức kháng thể chống uốn ván cao vượt trội. Trong thử nghiệm cuối, chuột được tiêm liều uốn ván gây chết người. Tất cả chuột được bôi vi khuẩn biến đổi đều sống sót, ngay cả khi phải chịu liều độc tố cao gấp 6 lần. Ngoài uốn ván, phương pháp này cũng được thử nghiệm với bệnh bạch hầu và cho kết quả tương tự. Các nhà khoa học tin rằng, phương pháp này có thể áp dụng cho nhiều loại vắc-xin, từ virus, vi khuẩn, nấm cho đến ký sinh trùng.
GS Michael Fischbach giải thích thêm, hầu hết vắc-xin truyền thống đều gây phản ứng viêm, khiến chúng ta cảm thấy mệt. Tuy nhiên, phương pháp này không gây viêm và rất an toàn. Hiện nghiên cứu này đang trong giai đoạn đầu và cần thử nghiệm thêm trên động vật linh trưởng trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người (dự kiến trong 2-3 năm tới). Tuy nhiên, với kết quả tích cực này, trong tương lai vắc-xin có thể được sử dụng dễ dàng như một loại kem dưỡng da.
TXB (theo Stanford University)