Trong giai đoạn 2014-2023, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện 04 nhiệm vụ quỹ gen. Kết quả đã góp phần bảo tồn và lưu giữ, khai thác được 08 nguồn gen, trong đó 03 nguồn gen được đưa vào sản suất và thương mại hóa, 02 nguồn gen được chia sẻ. Thông qua các nhiệm vụ đã xây dựng được 01 phòng bảo tồn nguồn gen thực vật. Đồng thời giúp đào tạo nâng cao năng lực và làm chủ nhiều công nghệ mới cho cán bộ làm công tác chuyển giao khoa học và công nghệ. Từ đó đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ cho hàng trăm lượt nông dân trên địa bàn tỉnh. Có thể điểm lại một số kết quả chính như sau:
Nhiệm vụ “Nghiên cứu bảo tồn, tư liệu hóa và đánh giá sơ bộ nguồn gen cây mè đen 2 vỏ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” đã đào tạo được 06 kỹ thuật viên; xây dựng 01 sơ đồ cây phát sinh chủng loài của giống mè đen 2 vỏ Bình Thuận; 01 bộ báo cáo tư liệu hóa nguồn gen cây mè đen 2 vỏ Bình Thuận gồm kiểu hình và kiểu gen. Bên cạnh đó, nhiệm vụ đã chuyển giao 05 quy trình công nghệ về: kỹ thuật nhân chồi và lưu giữ chồi mè đen 2 vỏ; huấn luyện cây mè đen in vitro ngoài vườn ươm; kỹ thuật SSR (PCR) đánh giá đa dạng di truyền nguồn gen cây mè đen 2 vỏ; phân tích dữ liệu, vẽ cây phát sinh chủng loài và phân tích đa dạng di truyền từ kết quả PCR; phân tích dữ liệu và phân tích đa dạng hình thái, ghi nhận, đo đếm một cách hệ thống các nhóm kiểu hình thái của nguồn gen cây mè đen 2 vỏ từ mô hình. Đồng thời, xây dựng thành công mô hình trồng cây mè đen 2 vỏ từ giống siêu nguyên chủng có quy mô diện tích 1 ha; lưu giữ 200 bình mẫu nguồn gen cây mè đen 2 vỏ in vitro.
Nhiệm vụ “Bảo tồn nguồn gen, tư liệu hóa và đánh giá sơ bộ nguồn gen cây mãng cầu ta Bình Thuận” đã đánh giá đa dạng di truyền bằng sử dụng chỉ thị phân tử RAPD cho 15 mẫu giống của các giống mãng cầu ta MC01, MC02 và MC03, nhận biết được 15 chỉ thị cho mức độ đa hình cao và xác định 15 mẫu giống mãng cầu ta thuộc 2 nhóm di truyền khác biệt nhau. Đánh giá sơ bộ và chi tiết các đặc tính hình thái, nông sinh học, năng suất và chất lượng cho 20 cây đầu dòng mãng cầu ta Bình Thuận với 36 chỉ tiêu. Đồng thời, nhiệm vụ đã tư liệu hoá 36 chỉ tiêu trên dưới dạng bảng số liệu, hình ảnh, được thể hiện dưới dạng sổ lưu, tập tin văn bản; bảo tồn và lưu giữ nguồn gen mãng cầu ta Bình Thuận theo hình thức bảo tồn in situ an toàn nguồn gen cho các giống mãng cầu ta MC01, MC02, MC03 và 20 cây đầu dòng của giống MC02 tại các vườn của hộ nông dân ở huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam…
Bên cạnh đó, nhiệm vụ đã đề xuất các giải pháp bảo tồn nguồn gen mãng cầu ta Bình Thuận bền vững; nâng cao nhận thức và năng lực bảo tồn nguồn gen thông qua tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật nhân giống bằng hạt. Xây dựng mô hình sản xuất cây giống phục vụ sản xuất của nông dân tỉnh Bình Thuận (xây dựng được 02 mô hình sản xuất cây giống bằng nhân giống bằng hạt và ghép).
Nhiệm vụ “Bảo tồn nguồn gen Dông khu Lê tại tỉnh Bình Thuận” đã mô tả, nhận diện và tư liệu hóa các đặc điểm hình thái và sinh thái của Dông khu Lê; xây dựng mô hình bảo tồn tại chỗ nguồn gen Dông khu Lê tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Việc bảo tồn được thực hiện tại chỗ ngoài tự nhiên (rừng Dốc Dung thôn Hồng Lâm có diện tích 700 ha; rừng Nhu thôn Hồng Thắng có diện tích 570 ha) và bảo tồn tại chỗ trong môi trường nuôi có diện tích 4.000 m2. Ngoài ra, nhiệm vụ đã tổ chức 3 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi Dông khu Lê cho người dân, qua đó giúp cải thiện kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi Dông du Lê và giảm thiểu việc đánh bắt loài này ngoài tự nhiên.
Nhiệm vụ “Tuyển chọn và xây dựng mô hình trồng các loài cây ăn quả có nguồn gốc bản địa của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu” đã tuyển chọn cây để lấy giống của 05 loài cây ăn quả có giá trị kinh tế nguồn gốc bản địa từ rừng tự nhiên của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu là Xoay, Xoài rừng, Thanh trà, Nhãn rừng và Bứa; xây dựng mô hình trồng 05 loài cây ăn quả có nguồn gốc bản địa từ rừng tự nhiên của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu. Mô hình có diện tích 04 ha, trồng 2000 cây của 05 loài Xoay, Thanh trà, Nhãn rừng, Xoài rừng và Bứa, tỷ lệ sống trên 85%, cây sinh trưởng, phát triển tốt; vườn ươm cây diện tích 300 m2, đảm bảo cho việc gieo ươm, chăm sóc 3000 cây con; Quy trình kỹ thuật trồng 05 loài cây: Xoay, Thanh trà, Nhãn rừng, Xoài rừng và Bứa do nhiệm vụ xây dựng được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, do các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn vốn, nguồn nhân lực và điều kiện thực tế còn hạn chế nên công tác bảo tồn nguồn gen tại địa phương chỉ tập trung vào khu vực có sự đa dạng sinh học cao và một số đối tượng cây trồng, vật nuôi có nguồn gen quý, đặc hữu, có giá trị về kinh tế hiện đang được người dân khai thác, sản xuất.
Để tiếp tục bảo tồn, lưu giữ và khai thác các nguồn gen quý hiếm trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập bổ sung nguồn gen. Lưu giữ, đánh giá sơ bộ nguồn gen theo các chỉ tiêu sinh học phù hợp với từng đối tượng; tư liệu hóa nguồn gen dưới các hình thức: phiếu điều tra, phiếu mô tả, phiếu đánh giá, tiêu bản, hình vẽ, bản đồ phân bố, ảnh, ấn phẩm thông tin, cơ sở dữ liệu (dạng văn bản hoặc số hóa); nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phục tráng các nguồn gen, xây dựng, phát triển các khu vực nuôi trồng chuyên canh các loài cây, con quý có giá trị kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện được nội dung đặt ra, tỉnh Bình Thuận đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí để công tác bảo tồn quỹ gen được triển khai đúng phương pháp bảo tồn thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để điều tra, khảo sát đầy đủ về nguồn gen, đánh giá, tư liệu hóa, bảo tồn, lưu giữ và khai thác, đưa vào sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, đối với một số nguồn gen cây trồng, động vật quý, có giá trị đã bị thoái hóa và giảm chất lượng nhưng chưa bảo tồn như dưa hấu hạt, thanh long, cá đỏ dạ, cá bẹ, cá lẹ, cá dứa, cá thiều và một số loài nhuyễn thể. Công tác bảo tồn nguồn gen thường yêu cầu có nguồn vốn lớn và một trình độ khoa học nhất định, do đó tỉnh mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan, các viện nghiên cứu Trung ương.
CT