Thứ hai, 04/11/2024 17:08

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật phát triển các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, lợi thế

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển, nơi đa dạng, phong phú về tài nguyên thiên nhiên, là cửa ngõ kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn. Vùng đang tích cực thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên vùng trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật phát triển các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Ứng dụng Công nghệ và Tiến bộ Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về một số lợi thế đặc trưng cũng như những mặt còn hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ?

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh và thành phố, đó là: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng (thành phố trực thuộc Trung ương), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Với vị trí đặc biệt quan trọng, đây là một trong những vùng kinh tế được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đã khẳng định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện thực tế của vùng. Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tế của Vùng”, đồng thời đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: “Đầu tư một số trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học - công nghệ, đào tạo, chăm sóc sức khỏe...” và “Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có đường bờ biển dài nhất cả nước, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển.

Vị trí địa lý của Vùng đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu thời tiết, đa dạng sinh học, sinh thái, văn hóa, thuận lợi phát triển về kinh tế biển, kinh tế nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại… Đây là những tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh biển, đảo của Vùng và cả nước. Đặc biệt, đây cũng là Vùng có nhiều dân tộc mang bản sắc văn hóa riêng, giàu truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động và sáng tạo. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông rất thuận lợi với đầy đủ các loại hình đường bộ, đường thủy, hàng không, đường sắt… Đối với hoạt động KH,CN&ĐMST, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ hội tụ nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học và các trung tâm đào tạo lớn của đất nước.

Bên cạnh những thuận lợi, tiềm năng cho phát triển, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức như: xuất phát điểm của Vùng nhìn chung là thấp, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thường xuyên hứng chịu thiên tai như lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh,… Trình độ phát triển còn có khoảng cách lớn giữa các vùng đô thị ven biển với miền núi, vùng sâu vùng xa; hạ tầng nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ vẫn còn khó khăn, nguồn nhân lực chất lượng cao hạn chế, đầu tư của Nhà nước và ngoài Nhà nước còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế để khai thác tối đa những thế mạnh của Vùng.

Thưa ông, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Bộ KH&CN đã triển khai các chương trình, đề án ứng dụng KH&CN nào?

Trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế, điều kiện phát triển cũng như thực tiễn hoạt động ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Bộ KH&CN đã và đang thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, Bộ KH&CN đang tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định về cơ chế, chính sách, tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, khơi thông các nguồn lực đầu tư cho hoạt động KH,CN&ĐMST, để từ đó KH,CN&ĐMST phục vụ ngày càng hiệu quả hơn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho Vùng.

Thứ hai, Bộ KH&CN đã và đang triển khai những chương trình KH&CN các cấp, đặc biệt là các chương trình KH&CN cấp quốc gia để nghiên cứu tạo ra công nghệ mới, làm chủ công nghệ tiên tiến và ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Đặc biệt là tập trung ưu tiên phát triển những lợi thế của Vùng như kinh tế biển, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra các chương trình bảo hộ, khai thác phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực của Vùng, chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, chương trình ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế phát triển của Vùng,...

Thứ ba, Bộ đã đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, hợp tác liên kết vùng, liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu, viện nghiên cứu - trường đại học với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế để thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho Vùng.

Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản là ngành nghề đặc trưng và thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ có những giải pháp nào để thúc đẩy hơn nữa việc ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, thưa ông?

Thực hiện những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Bộ KH&CN đã và đang đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến lĩnh vực KH,CN&ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo để thực hiện hóa các chủ trương, đường lối phát triển của Vùng.

Thứ nhất, Bộ KH&CN đang tập trung tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách để tạo sự đồng bộ, khơi thông nguồn lực (đặc biệt là các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước) để đầu tư phát triển cho KH,CN&ĐMST thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, tiếp tục triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia trên cơ sở khai thác những tiềm năng, lợi thế của Vùng. Trong đó chú trọng đến tính phù hợp với từng ngành, lĩnh vực như kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,...; nghiên cứu, tìm kiếm, làm chủ các công nghệ mới, công nghệ hiện đại của thế giới cũng như trong nước để hỗ trợ chuyển giao cho Vùng.

 Thứ ba, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn với đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Muốn hiện thực hóa các mục tiêu đề ra cần có nguồn nhân lực, do vậy yêu cầu đặt ra là phải gắn giữa nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết các viện nghiên cứu - trường đại học, các chủ thể trong phát triển chung của Vùng để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các ngành, lĩnh vực. Xin chân thành cảm ơn ông đã chia sẻ với bạn đọc của Tạp chí!

Lê Hạnh - Phạm Thịnh (thực hiện)

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)