PGS.TS Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre cho biết, với lợi thế và điều kiện tự nhiên, tỉnh đã xác định phát triển ngành nông nghiệp sản xuất con tôm theo hướng nhanh, mạnh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, sinh thái, hữu cơ với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao sản xuất, chất lượng, sản lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Mục tiêu đến năm 2025, phát triển tổng diện tích nuôi tôm nước lợ là 36.000 ha, với tổng sản lượng 190.028 tấn, trong đó có 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao với sản lượng 144.000 tấn.
PGS.TS Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre phát biểu khai mạc Hội thảo.
Để phát triển ngành tôm, Bến Tre đã có nhiều giải pháp từ quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, nghiên cứu chuyển giao các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao và phát triển chuỗi giá trị tôm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới dạng “nhãn hiệu chứng nhận” cho tôm sú và tôm thẻ chân trắng vào tháng 06/2020, “chỉ dẫn địa lý” cho tôm càng xanh vào tháng 04/2021. Để tiếp tục với chiến lược phát triển ngành tôm đã đề ra, tỉnh tiếp tục thực hiện các bước để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Điều này cần có các cơ sở khoa học và thực tiễn xác đáng để củng cố cho hồ sơ đăng ký.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ các vấn đề như: Tính chất, chất lượng đặc thù của tôm thẻ chân trắng và tôm sú tỉnh Bến Tre với các tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long; sự khác nhau về chất lượng nước của vùng nuôi tôm nước lợ của Bến Tre so với các tỉnh/thành phố khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các vấn đề liên quan đến xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý...
Nguyễn Tuấn