Toàn cảnh Hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý có liên quan của Bộ Khoa học và công nghệ, các sở/ban/ngành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành viên Ban chủ nhiệm các Chương trình, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, nhà khoa học. Hội thảo nhằm giới thiệu mục tiêu, nội dung, kết quả thực hiện bước đầu của các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia và định hướng kết nối nội dung nghiên cứu giữa các Chương trình; hỗ trợ, tư vấn các tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân trên toàn quốc xây dựng, đề xuất nhiệm vụ, triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc các Chương trình trong thời gian tới đảm bảo hiệu quả.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành tái cơ cấu các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, kết hợp sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học đề xuất và triển khai nhiệm vụ. Với tiếp cận tập trung vào các chương trình trọng tâm, có tác động lan tỏa tới lĩnh vực kinh tế - xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đang cơ cấu 26 Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Đồng thời, Bộ đã và đang sửa đổi các Thông tư hướng dẫn triển khai Chương trình để tháo gỡ các khó khăn và tạo thuận lợi cho các nhà khoa học trong các khâu đề xuất nhiệm vụ, tuyển chọn, kiểm tra đánh giá, nghiệm thu và xử lý tài sản, trong đó Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các Thông tư 06/2023/TT-BKHCN ngày 25/05/2023 quy định trình tự thủ tục về xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước, Thông tư 20/2023/TT-BKHCN ngày 12/10/2023 về tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước. Một số thông tư khác đang trong quá trình hoàn thiện để ban hành.
Đại diện Ban chủ nhiệm các Chương trình và một số đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì trao đổi, thảo luận tại Hội thảo.
Hội thảo chia thành 2 phiên thảo thuận: phiên họp toàn thể chia sẻ về 3 Chương trình: Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh (mã số KC.01/21-30); Nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ giai đoạn 2021- 2030 (mã số KC.13/21-30); Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước (mã số KC.14/21-30). Ban tổ chức đã có sáng kiến khi kết hợp giới thiệu 3 Chương trình có định hướng nghiên cứu liên ngành, liên vùng và có mối quan hệ gắn kết với nhau để cùng thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ ở các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chính quyền số là nền tảng kết nối các công nghệ, dữ liệu trong cải thiện dịch vụ công, quản lý nhà nước; sử dụng công nghệ số và công nghệ vũ trụ để tạo ra môi trường đô thị thông minh, bền vững và có khả năng chống chịu tốt hơn; nền tảng về Chính phủ số, đô thị thông minh và công nghệ vũ trụ sẽ hỗ trợ mục tiêu quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, đảm bảo an toàn hồ, đập chứa nước.
Các tham luận đã cung cấp những thông tin cập nhật về xu thế và giải pháp chuyển đổi số, công nghệ vũ trụ, an ninh nguồn nước, cũng như hiểu rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực trọng điểm. Tại phiên toàn thể, các đại biểu cũng thảo luận, kiến nghi về việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ vũ trụ, an ninh nguồn nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau phiên toàn thể, 3 phiên họp chuyên ngành diễn ra song song, giới thiệu về các Chương trình: Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh (mã số KC.01/21-30); Nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ giai đoạn 2021- 2030 (mã số KC.13/21-30); Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước (mã số KC.14/21-30). Các Ban chủ nhiệm Chương trình và các chuyên gia đã giới thiệu chi tiết về các Chương trình, trình bày các tham luận khoa học chuyên sâu thuộc Chương trình. Đây là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia cùng đơn vị quản lý trao đổi, thảo luận làm rõ những vấn đề liên quan đến Chương trình, thảo luận về các ý tưởng dự kiến tham gia Chương trình và cũng là cơ hội để các Ban chủ nhiệm tiếp nhận các sáng kiến, giải pháp từ các đại biểu tham dự để tổ chức triển khai Chương trình ngày càng hiệu quả.
Lê Hạnh