Trong thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã dành nhiều nguồn lực, nhân lực để đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong đó đã dành ít nhất 1% ngân sách để phục vụ chuyển đổi số. Nguồn nhân lực chuyển đổi số được tỉnh đặc biệt quan tâm... Tuy nhiên, dù đầu tư và quan tâm dồn nhiều nguồn lực, song tỉnh vẫn rất cần sự định hướng, tư vấn về cơ chế, chính sách cho từng việc cụ thể. Trong đó, có nhiều bài toán tỉnh đang đối mặt như: Người nông dân còn nghèo; chênh lệch giữa nông thôn và thành thị; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao...
Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh: Anh Dũng).
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, những vấn đề tỉnh Lào Cai đang phải đối mặt là những bài toán “thiên niên kỷ” chưa giải được. Tuy nhiên, với chuyển đổi số, các bài toán trên sẽ có lời giải.
Theo đó, để nông dân thoát nghèo và làm giàu nhờ chuyển đổi số, tỉnh Lào Cai có thể tham khảo một số địa phương đã triển khai rất tốt ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp như Thái Nguyên (truy xuất nguồn gốc từng cây chè); mỗi loại nông sản cần được xây dựng thương hiệu riêng biệt, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, kết hợp với sàn thương mại điện tử và hệ thống giao hàng có thể kết nối nông dân với thị trường tiềm năng...
Với bài toán chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, Lào Cai có thể giải quyết bằng công nghệ số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn ví dụ trong lĩnh vực giáo dục, hiện nay, các giáo viên giỏi đều không ở lại các vùng miền núi mà sẽ chọn cuộc sống ở đô thị. Có nhiều tỉnh đã tạo cơ chế chính sách, phúc lợi rất cao, thậm chí bố trí nhà ở nhưng cũng ít giáo viên gắn bó. Do vậy, có thể thay đổi cách tiếp cận là sẽ tạo ra giáo viên bằng trợ lý ảo, giáo viên ở lớp sẽ triển khai quản lớp, nhắc nhở, giải đáp và làm rõ thêm. Với cách làm này, Lào Cai sẽ có những giáo viên có trình độ hàng đầu thế giới. Không riêng giáo dục, các lĩnh vực khác đều có thể ứng dụng chuyển đổi số để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thì tỉnh Lào Cai cần quan tâm đầu tư hạ tầng số. Trong đó, hạ tầng viễn thông đặc biệt quan trọng và được nhìn nhận là hạ tầng chiến lược, bên cạnh hạ tầng giao thông và hạ tầng điện.
CT