Vi khuẩn đa kháng thuốc là một trong những thách thức lớn trên toàn cầu. Siêu vi khuẩn Acinetobacter baumannii kháng carbapenem (Carbapenem - resistant Acinetobacter baumannii - CRAB) là một trong những vi khuẩn đa kháng đáng lo ngại nhất trong các bệnh viện. Việc điều trị nhiễm trùng do CRAB rất khó khăn vì những kháng sinh còn hoạt tính trên loại vi khuẩn này đang ngày càng hạn chế. Gần đây, các nhà khoa học đã xác định được một loại kháng sinh mới, cho thấy hiệu quả cao khi chống lại CRAB. Phát hiện này mang lại hy vọng trong cuộc chiến chống lại siêu vi khuẩn đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên toàn cầu.
Y tế xanh là một khái niệm chỉ những hoạt động y tế được thực hiện một cách bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong đó, tái chế các thiết bị đã qua sử dụng và quản lý chất thải y tế, đặc biệt là rác thải nhựa đang được nhiều quốc gia quan tâm phát triển. Việc tái chế các thiết bị y tế không chỉ giúp giảm tác hại đến môi trường mà còn thu hồi được các vật liệu có giá trị để tái sử dụng. Bài viết tập trung tìm hiểu xu hướng tái chế các thiết bị y tế trên thế giới, từ đó đưa ra những khuyến nghị phù hợp với Việt Nam.
Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc còn là một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới, với thu nhập bình quân đầu người chỉ 79 USD/năm. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20 năm sau, Hàn Quốc bắt đầu được công nhận trong nhóm các nền kinh tế công nghiệp hóa (NIE) mới ở Đông Á. Năm 2020, Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới và được Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) phân loại lại từ nền kinh tế nhóm A (các nước châu Á và châu Phi) thành nền kinh tế nhóm B (các nền kinh tế phát triển). Bài viết chia sẻ về kinh nghiệm của Hàn Quốc và đưa ra một số gợi ý chính sách mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình phát triển công nghiệp dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).
Sự đa dạng của các loài sâm ở Việt Nam cùng với tình trạng trà trộn sâm từ các nước trong khu vực gây khó khăn trong quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên sâm. Việc xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cho nhận dạng sâm là vô cùng cần thiết và cấp bách, nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn của các sản phẩm sâm trên thị trường, giúp người tiêu dùng tránh được các sản phẩm kém chất lượng hoặc giả mạo. Để đạt được điều này, việc hiểu rõ về các thành tựu khoa học trong nhận diện các loài sâm trên thế giới và ở Việt Nam sẽ cung cấp những công cụ hữu hiệu và cơ sở lý luận để xây dựng TCVN.
Từ năm 1901 đến năm 2024, Giải Nobel đã được trao 627 lần cho 1.012 cá nhân và tổ chức. Từ ngày 07 đến ngày 14/10/2024, sáu giải Nobel: y sinh, hóa học, vật lý, văn học, hòa bình và kinh tế đã được trao cho những thành tựu mang lại lợi ích lớn cho nhân loại. Tạp chí xin giới thiệu cùng bạn đọc những nhà khoa học đoạt Giải Nobel năm 2024 và các công trình nền tảng của họ.
Sản lượng điện tái tạo của Canada, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời đang và sẽ tăng lên nhanh chóng. Từ chỗ chỉ đáp ứng chưa đến 1% nhu cầu điện của Canada (năm 2009) thì đến năm 2021, năng lượng điện gió và điện mặt trời đã đáp ứng khoảng 7% nhu cầu điện của nước này. Để đạt được điều đó, từ năm 2015, Chính phủ Canada đã lần lượt thông qua Chiến lược năng lượng quốc gia và Hiệp định khung Liên bang về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu với các định hướng và giải pháp phát triển điện tái tạo. Đây sẽ là những kinh nghiệm quý để Việt Nam tham khảo trong việc xây dựng và triển khai các chính sách phát triển điện tái tạo.
Là quốc gia đã thử nghiệm thành công bom nguyên tử (bom A) vào năm 1964, bom nhiệt hạch (bom H) vào năm 1967, nhưng phải 30 năm sau (1994), Trung Quốc mới có nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên được xây dựng và vận hành. Với dân số hơn 1,4 tỷ người và gần 2/3 tổng sản lượng điện do các nhà máy điện than cung cấp, Trung Quốc có lượng phát thải carbon nhiều nhất thế giới. Với mục tiêu giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, việc phát triển ĐHN đã được Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Quốc gia này đã trở thành nước thứ hai trên thế giới (sau Mỹ) về số lượng lò phản ứng (LPƯ) đang hoạt động và sản lượng ĐHN; đồng thời là nước có số lượng LPƯ đang xây dựng nhiều nhất thế giới (30/64). Bài viết chia sẻ tình hình phát triển ĐHN trong hiện tại và tương lai của Trung Quốc.
Rối loạn giấc ngủ REM vô căn được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Đây là yếu tố nguy cơ cao gây ra một số bệnh lý thần kinh, đặc biệt là bệnh Parkinson và sa sút trí tuệ thể Lewy. Do đó, phát hiện sớm rối loạn giấc ngủ REM vô căn không chỉ là chìa khóa quan trọng để điều trị kịp thời, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, mà còn có vai trò mấu chốt giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh lý thoái hóa thần kinh trong tương lai.
Chấn thương dây chằng, đặc biệt ở đầu gối, là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người trẻ trên toàn thế giới. Theo thống kê, cứ 100.000 người trong độ tuổi từ 16 đến 39, có tới 85 người dễ mắc phải loại chấn thương này. Các vận động viên, người lao động nặng và những người vận động sai cách là những đối tượng có nguy cơ cao. Mới đây, TS Nguyễn Ngọc Tuân tại Đại học Ecole Normale Superieure và cộng sự tại Đại học Sorbonne Paris Nord, Cộng hòa Pháp đã nghiên cứu và phát triển thành công dây chằng nhân tạo phân hủy sinh học từ sợi polycaprolactone, mở ra hướng điều trị mới hiệu quả hơn cho hàng triệu bệnh nhân bị tổn thương dây chằng.
Mới đây, Đại học Stanford, Mỹ đã công bố Báo cáo Chỉ số trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2024. Đây được đánh giá là một báo cáo toàn diện nhất về AI và đưa ra vào thời điểm quan trọng khi ảnh hưởng của AI đối với xã hội loài người đã trở nên rõ ràng. So với các năm trước, Báo cáo chỉ số AI 2024 đã mở rộng phạm vi để bao quát hơn các xu hướng thiết yếu như tiến bộ kỹ thuật trong AI, nhận thức của công chúng về công nghệ và động lực địa chính trị xung quanh sự phát triển của nó... Qua đó, giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và công chúng hiểu biết sâu sắc về sự phức tạp và phát triển nhanh chóng của AI.