Thứ ba, 15/09/2020 15:37

Hiệu quả từ Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020 tại tỉnh Phú Thọ

Giai đoạn 2016-2020, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đã góp phần giúp cho Phú Thọ đăng ký bảo hộ sáng chế cho 3 giải pháp hữu ích, 5 kiểu dáng công nghiệp được áp dụng trong thực tiễn. Đồng thời xác lập quyền SHTT cho 106 nhãn hiệu hàng hóa, trong đó hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển TSTT cho 15 đặc sản địa phương mang địa danh như: Rau an toàn Tân Đức, gà nhiều cựa Tân Sơn, rau an toàn Phú Lợi, chè xanh Yên Kỳ, hồng không hạt Gia Thanh, cá chép đỏ Thủy Trầm, cá lồng Sông Đà Thanh Thủy, cá lồng Sông Lô Phú Thọ,  chè xanh Phú Thịnh, chè xanh Dốc Đen, rau an toàn Tứ Xã, nón lá Sai Nga, chuối Bản Nguyên, cá thính Tử Đà…

Gà cựa Tân Sơn - đặc sản địa phương đã được xác lập quyền SHTT

Hoạt động SHTT của Phú Thọ đã triển khai toàn diện trên các mặt từ tỉnh tới cơ sở, huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách khoa học và công nghệ (KH&CN) tham gia phát triển TSTT. Trong đó đã có 10/13 huyện, thành, thị thực hiện các dự án tạo lập, quản lý và phát triển TSTT (giai đoạn trước có 4/13); thành lập và kiện toàn lại 15 hợp tác xã; huy động các nguồn lực khác từ huyện, hợp tác xã thực hiện các dự án về SHTT cho các sản phẩm của địa phương. Đồng thời thực hiện hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển TSTT cho 5 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT được triển khai đã mở ra một hướng đi phù hợp, giải quyết được phần nào vướng mắc về phương thức tổ chức hoạt động SHTT tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Chương trình phát triển TSTT đã có tác động rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng về SHTT: tổ chức tập huấn về SHTT cho hơn 500 lượt người tham gia; duy trì định kỳ 1 chuyên đề/tháng về SHTT trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ. Qua đó nâng cao nhận thức về SHTT cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Chương trình cũng góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Các sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT khi đưa ra thị trường được kiểm tra, quản lý chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt.

Trong thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa của chương trình tới các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Sử dụng đa dạng các kênh thông tin và phương tiện truyền thông đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT. Xây dựng các chương trình, chuyên mục tuyên truyền về SHTT trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Tập san ngành KH&CN và các phương tiện truyền thông khác. Phối hợp với Cục SHTT tổ chức các khóa đào tạo nâng cao về kiến thức SHTT cho các cán bộ quản lý cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nhận thức về SHTT cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)