Thứ sáu, 04/09/2020 15:33

Phát triển chỉ dẫn địa lý “Gạo Điện Biên”

Ngày 25/9/2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3340 /QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) số 00043 cho sản phẩm gạo Điện Biên nổi tiếng. Tuy nhiên, muốn phát huy được vai trò của CDĐL “Gạo Điện Biên” thì cần những giải pháp cụ thể. Dự án Quản lý và phát triển CDĐL “Gạo Điện Biên” của tỉnh Điện Biên thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 do Trung tâm Nghiên cứu đất và phân bón vùng trung du chủ trì được triển khai trong năm 2019-2020 đã cung cấp những luận cứ cho các giải pháp phát triển CDĐL “Gạo Điện Biên”.

CDĐL mới chỉ là điều kiện cần

CDĐL “Gạo Điện Biên” từ khi được cấp đã bước đầu đã góp phần thay đổi về nhận thức, nâng cao giá trị thu nhập của người sản xuất và đặc biệt là khả năng nhận biết của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Đồng thời tạo được hiệu ứng tích cực trong việc định hướng chính sách, xây dựng đề án, quy hoạch và hỗ trợ cho sản xuất lúa gạo của địa phương. Tuy nhiên, sản phẩm gạo mang CDĐL “Điện Biên” còn gặp nhiều khó khăn và thách thức chính: I) Nhận thức của người sản xuất, thu mua, chế biến gạo về lợi ích lâu dài của CDĐL cho sản phẩm còn hạn chế, giá trị thương mại và cơ hội thị trường của sản phẩm gạo Điện Biên, lợi ích kinh tế của người sản xuất lúa gạo chưa đáp ứng như mong đợi (nhu cầu sử dụng CDĐL của người dân, doanh nghiệp còn rất hạn chế); II) Công tác quản lý CDĐL sau khi được cấp giấy chứng nhận còn gặp nhiều khó khăn; III) CDĐL chưa trở thành dấu hiệu thương mại phổ biến khiến cho danh tiếng của sản phẩm không được nhiều người tiêu dùng biết đến, gây nhầm lẫn thậm chí còn có những cái nhìn sai lệnh về sản phẩm địa phương được bảo hộ CDĐL; IV) Thiếu các quy trình sản xuất, đặc biệt quy trình canh tác phù hợp với đặc điểm của giống, đất đai, điều kiện khí hậu, đặc điểm và khả năng đầu tư của người dân địa phương; V) Chưa hình thành được mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín (từ cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất, thu mua, chế biến và kinh doanh).

Gạo Điện Biên đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL

Để góp phần những hạn chế nêu trên, việc tham gia CDĐL mới chỉ là điều kiện cần để giúp đặc sản vùng/miền vượt ra khỏi phạm vi một địa phương. Nếu chỉ dừng ở việc bảo hộ CDĐL mà không thực hiện các hoạt động quản lý, khai thác và phát triển sẽ không phát huy được hiệu quả của CDĐL. Vì vậy việc xây dựng triển khai dự án “Quản lý và phát triển CDĐL gạo Điện Biên của tỉnh Điện Biên” là hết sức cần thiết. Mục tiêu của dự án là thiết lập và vận hành mô hình quản lý và phát triển CDĐL gạo Điện Biên qua đó đảm bảo chất lượng, phát huy danh tiếng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản phẩm.

Kết quả triển khai

Sau thời gian triển khai từ tháng 6/2019 đến nay, dự án đã đạt được một số kết quả cơ bản:

Một là, điều tra, khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý và phát triển CDĐL gạo Điện Biên trên thực tế hiện nay. Dự án đã khảo sát, điều tra số liệu thực tế về quy mô vùng trồng, thu mua, chế biến gạo trong vùng CDĐL, số hộ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh gạo nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý CDĐL…; đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý CDĐL gạo Điện Biên sau khi được cấp giấy chứng nhận (điều tra về cách thức tổ chức, hoạt động kiểm soát, cấp quyền sử dụng CDĐL, nhận thức của các hộ dân về CDĐL, thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai tổ chức quản lý CDĐL gạo Điện Biên tại địa phương…)…

Hai là, xây dựng và triển khai hệ thống các công cụ quản lý và phát triển CDĐL gạo Điện Biên. Mô hình tổ chức và quản lý, sử dụng và khai thác CDĐL “Điện Biên” cho sản phẩm gạo của tỉnh Điện Biên đã được xây dựng dựa trên các quan điểm, nguyên tắc sau: thực tế sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạo Điện Biên mang CDĐL; hệ thống văn bản, quy trình, quy chế quản lý được xây dựng phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và điều kiện thực tiễn của địa phương; Bộ máy tổ chức quản lý CDĐL phải gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện sản xuất, chế biến và thương mại của sản phẩm gạo; quy định về kiểm soát chất lượng sản phẩm mang CDĐL được xây dựng trên quan điểm trao quyền tối đa cho các tổ chức và các đơn vị sử dụng; mô hình được thiết kế theo nguyên tắc phân cấp quản lý, phân công trách nhiệm cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo được sử dụng và khai thác giá trị quyền của CDĐL một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, mô hình đã chỉ định rõ: UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan sở hữu nhà nước đối với CDĐL và chịu trách nhiệm quản lý CDĐL theo luật Sở hữu trí tuệ (Quản lý chung); Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Điện Biên được UBND tỉnh uỷ quyền quản lý, sử dụng CDĐL tại địa phương (cơ quan quản lý CDĐL); các sở, ngành địa phương liên quan: phối hợp quản lý CDĐL trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ liên quan. Trong công tác xây dựng và triển khai hệ thống các công cụ quản lý và phát triển CDĐL gạo Điện Biên, dự án cũng đã xây dựng và hoàn thiện bộ công cụ quản lý CDĐL Gạo Điện Biên; công bố hệ thống tổ chức quản lý, tập huấn kiến thức và quy trình quản lý CDĐL.

Ba là, xây dựng và triển khai hệ thống thương mại hóa sản phẩm. Dựa vào thông tin thu thập, cơ sở dữ liệu điều tra, dự án đã tiến hành đánh giá thị trường và xác định được các kênh tiêu thụ gạo Điện Biên tại các vùng CDĐL, các chợ đầu mối, các tỉnh lân cận, các siêu thị ở đô thị lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...;  phân tích các quan hệ giao dịch giữa các tác nhân thương mại, sản xuất trong các kênh hàng; xác định cách đánh giá chất lượng sản phẩm, kỹ thuật bảo quản, khả năng phân loại và nắm bắt thực trạng của hệ thống sản xuất gạo Điện Biên của các tác nhân thương mại; trao đổi với các đơn vị chế biến sản phẩm cuối cùng trong và ngoài nước để hợp tác sử dụng uy tín của CDĐL trên thị trường… Ngoài ra, dự án còn xây dựng hệ thống các phương tiện, điều kiện quảng bá cho sản phẩm gạo Điện Biên mang CDĐL như: quy định chung đối với hệ thống tem, nhãn sản phẩm, bao bì sản phẩm, các phương tiện quảng bá; tham gia các hội chợ, triển lãm hàng nông sản; quảng cáo trê website, báo, đài phát thanh, đài truyền hình và các kênh thông tin trực tuyến, các tour du lịch…; tổ chức các hội nghị, hội thảo để quảng bá về sản phẩm cho người sản xuất, nhà kinh doanh và người tiêu dùng...

Mẫu logo của Gạo Điện Biên

Bốn là, tổ chức kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm mang CDĐL gạo Điện Biên. Dự án đã xác định và xây dựng vùng thông tin đối với sản phẩm gạo Điện Biên mang CDĐL; tổ chức kiểm định và chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện mang CDĐL và giám sát việc tuân thủ Quy chế quản lý việc sử dụng CDĐL; tổ chức kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm mang CDĐL gạo Điện Biên; kiểm tra, giám sát sản phẩm mang CDĐL gạo Điện Biên…
Năm là, xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm được bảo hộ CDĐL theo chuỗi giá trị. Dự án đã đánh giá thực trạng hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ trong vùng CDĐL gạo Điện Biên về các nội dung: tác nhân cung cấp vật tư đầu vào sản xuất (giống, phân bón, thuốc BVTV, công cụ, máy móc…); tác nhân sản xuất; tác nhân thu mua, chế biến, đóng gói, vận chuyển; tác nhân tiêu thụ sản phẩm (bán buôn, bán lẻ và xuất khẩu); tác nhân hỗ trợ, hậu cần… Ngoài ra, dự án cũng xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất và phát triển trong vùng CDĐL gạo Điện Biên (liên kết sản xuất, tiêu thụ và quảng bá CDĐL gạo Điện Biên).

Hiệu quả của dự án

Dự án Quản lý và phát triển CDĐL “Gạo Điện Biên” của tỉnh Điện Biên được thực hiện không những đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, chất lượng và đúng giá trị sản phẩm mà còn tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh tế và thu nhập của người sản xuất, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm gạo trong vùng CDĐL Điện Biên. Đối với người dân sản xuất, khi áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật sản xuất, chất lượng lúa gạo khi đưa ra thị trường sẽ có chất lượng ổn định và đồng đều, nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, với việc áp dụng sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, nó còn giúp cho người dân giảm được chi phí vật tư đầu, chi phí vận chuyển, quảng bá… góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Đối với doanh nghiệp, HTX kinh doanh, tiêu thụ, khi sử dụng sản phẩm gạo mang CDĐL Điện Biên, mức độ tin cậy của người tiêu dùng cao hơn đồng nghĩa giá sản phẩm cùng loại cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg, với sản lượng hàng năm 60.000-70.000 tấn, lợi nhuận thu được sẽ lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời, dự án hỗ trợ việc mở rộng, tiếp cận thị trường mới sẽ tạo nhiều tiềm năng cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp địa phương.

Về hiệu quả xã hội, dự án đã góp phần nâng cao danh tiếng, uy tín, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gạo đặc sản tỉnh Điện Biên trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường quốc tế. Thiết lập được kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm gạo của các hộ trồng lúa trong vùng lòng chảo Điện Biên; khôi phục và phát triển vùng gạo đặc sản, đưa cây lúa trở thành cây nông sản mũi nhọn của tỉnh Điện Biên, góp phần xoá đói, giảm nghèo và giúp nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình; bảo vệ môi trường sinh thái; tạo việc làm tại chỗ, thu hút được nguồn lao động tham gia vào phát triển nông nghiệp tại Điện Biên - nơi vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế về chuyển đổi nghề nghiệp, đồng thời góp phần giảm được các vấn đề xã hội.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)