Thứ tư, 27/07/2022 17:10

Cục Sở hữu trí tuệ: 40 năm xây dựng và phát triển (Kỳ 1 - Những bước đi đầu tiên của hệ thống sở hữu công nghiệp Việt Nam)

Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) được thành lập ngày 29/7/1982 với tên gọi ban đầu là Cục Sáng chế. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Cục đã trải qua 3 tên gọi khác nhau: Cục Sáng chế (giai đoạn 1982-1993), Cục Sở hữu công nghiệp (1993-2003) và Cục SHTT (từ 2003 đến nay). Dù mang tên gọi khác nhau, nhưng Cục SHTT luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển của lĩnh vực SHTT nói riêng, ngành khoa học và công nghệ cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Bài viết điểm lại những kết quả nổi bật Cục SHTT đã đạt được trong 40 năm qua theo 3 mốc lịch sử gắn với tên gọi khác nhau của Cục. 

Cục Sáng chế được thành lập theo Nghị định số 125/HĐBT ngày 29/7/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở tổ chức của Phòng Sáng chế phát minh thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, đặt dấu mốc đầu tiên cho việc thành lập một cơ quan chuyên trách độc lập về sở hữu công nghiệp (SHCN) ở Việt Nam.

Trong giai đoạn này, Cục thực hiện chức năng thống nhất quản lý hoạt động sáng kiến, sáng chế và công tác SHCN trong cả nước; bảo hộ pháp lý sáng chế và các đối tượng SHCN... Với một hệ thống cơ sở vật chất khá hoàn thiện vào thời điểm đó, một cơ cấu tổ chức chuyên môn tinh gọn, phù hợp với tình hình phát triển và đội ngũ nhân lực khá tinh nhuệ, Cục đã có được những tiền đề quan trọng cho các hoạt động trong lĩnh vực SHCN, đủ sức đáp ứng được những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Trụ sở Cục Sáng chế những ngày đầu mới thành lập.

Xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về SHCN

Do mới chỉ có văn bản pháp luật duy nhất liên quan đến SHCN là Điều lệ về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật - hợp lý hóa sản xuất và sáng chế ban hành kèm theo Nghị định 31/CP ngày 23/01/1981 của Hội đồng Bộ trưởng, nên khi chính thức đi vào hoạt động, Cục đã ưu tiên triển khai việc chuẩn bị xây dựng các văn bản pháp luật làm cơ sở để triển khai bảo hộ các đối tượng SHCN khác. Kết quả, một số văn bản quy phạm pháp luật khác do Cục soạn thảo để bảo hộ những đối tượng khác của quyền SHCN đã được thông qua như: Nghị định 85-HĐBT ngày 13/5/1988 ban hành Điều lệ về kiểu dáng công nghiệp; Nghị định 200/HĐBT ngày 28/12/1988 ban hành Điều lệ về giải pháp hữu ích; Nghị định 201/HĐBT ngày 28/12/1988 ban hành Điều lệ về mua bán quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và bí quyết kỹ thuật (gọi tắt là Điều lệ về mua bán li-xăng). Với những kết quả đạt được, Cục đã có được một bước tiến lớn và vững chắc về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, không chỉ đặt nền móng năng lực và kinh nghiệm cho việc xây dựng những văn bản tiếp theo mà quan trọng hơn, bắt đầu đem lại những nguyên tắc và nội dung bảo hộ quyền SHCN ở các đối tượng căn bản, phù hợp với định hướng và điều kiện phát triển của nền kinh tế nước ta trong công cuộc đổi mới.

Mặc dù các biện pháp bảo hộ chủ yếu là các biện pháp hành chính nhưng nó phản ánh đúng các nguyên tắc của một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung theo mô hình các nước xã hội chủ nghĩa, điển hình là việc bảo hộ sáng chế dưới 2 hình thức: Bằng tác giả sáng chế (hình thức bảo hộ phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung), được khuyến khích sử dụng và Bằng độc quyền sáng chế (hình thức bảo hộ phù hợp với nền kinh tế thị trường) - chủ yếu dành cho người nước ngoài. Những thành công này đã trở thành bước đà để Cục Sáng chế đề xuất và phối hợp với Vụ Pháp luật - Văn phòng Quốc hội và các cơ quan khác soạn thảo một văn bản mang tính bước ngoặt: dự thảo Pháp lệnh bảo hộ quyền SHCN. Được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 28/1/1989 và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký ngày 11/2/1989, Pháp lệnh chính thức được ban hành và đánh dấu bước khởi đầu cho công tác xác lập quyền SHCN - một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục ngày nay. Đây là lần đầu tiên, khái niệm “SHCN” được chính thức sử dụng trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam. Sự kiện Pháp lệnh bảo hộ quyền SHCN ra đời đã đem lại những giá trị mới cho hoạt động bảo hộ quyền SHCN: các biện pháp và chế tài bảo hộ không chỉ bị giới hạn trong phạm vi hành chính mà còn có cơ sở pháp lý để mở rộng đến các thủ tục tố tụng; bãi bỏ hình thức bảo hộ bằng tác giả sáng chế và chỉ còn duy nhất hình thức bảo hộ là bằng độc quyền sáng chế.

Như vậy, hoạt động bảo hộ sáng chế đã bắt nhịp với bước chuyển đổi thực sự trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ... của đất nước, trong đó nền kinh tế đang chuyển đổi một cách có hiệu quả từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những văn bản quy phạm pháp luật mà Cục đề xuất soạn thảo trình ban hành đã làm cơ sở để mở ra các hoạt động mới như: tổ chức triển khai việc tiếp nhận đơn đăng ký, xem xét và cấp văn bằng bảo hộ sáng chế nhãn hiệu hàng hóa (từ năm 1984); triển khai tiếp nhận đơn đăng ký, xét nghiệm và cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và giải pháp hữu ích (từ năm 1989). Đánh dấu các hoạt động này là những mốc thời gian đáng nhớ với Cục Sáng chế: Bằng độc quyền sáng chế đầu tiên được cấp vào ngày 28/6/1984, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đầu tiên được cấp ngày 29/6/1984, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đầu tiên được cấp vào ngày 26/6/1989 và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích đầu tiên được cấp vào ngày 16/8/1989. Số lượng hồ sơ đơn đăng ký bảo hộ nhận được trong thời kỳ đầu của Cục chỉ bằng một phần nhỏ so với ngày nay, nhưng để có những con số ấn tượng về sau thì những hoạt động đầu tiên dẫn đường như trên thực sự có ý nghĩa.

Trong giai đoạn này, Chính phủ đã phê chuẩn gia nhập Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT) và Việt Nam chính thức tham gia Hiệp ước này từ ngày 10/3/1993. Sự kiện tham gia Hiệp ước PCT cùng với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trước đó như Công ước Paris về bảo hộ SHCN, Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa, Công ước Stockholm về thành lập Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đã thể hiện bước phát triển về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực SHTT, đồng thời đặt ra những nhiệm vụ quan trọng để Cục thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Tổ chức hoạt động quản lý nhà nước về sáng kiến và SHCN

Năm 1986, theo đề nghị của Cục, lần đầu tiên vấn đề “tổ chức các hoạt động SHCN” được đưa vào Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Kể từ đó, hoạt động SHCN được dư luận xã hội quan tâm và được các cấp ủy chỉ đạo. Trong những năm đầu, Cục đã hỗ trợ các ngành, địa phương xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác sáng kiến - sáng chế ở các cơ quan quản lý khoa học - kỹ thuật, thành lập hội đồng sáng kiến các cấp. Đội ngũ cán bộ này được Cục đào tạo, nâng cao trình độ về SHCN. Hàng năm, Cục hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng và triển khai các hoạt động sáng kiến, SHCN trong khuôn khổ kế hoạch khoa học và kỹ thuật của ngành, địa phương. Song song với đó, Cục không ngừng tổ chức các đoàn cán bộ của Cục và các bộ, ngành và địa phương đi tập huấn, nâng cao trình độ qua các khóa đào tạo cơ bản về SHCN ở nước ngoài, đặc biệt tại Đức và Pháp cũng như các khóa do WIPO phối hợp với các cơ quan sáng chế quốc gia tổ chức. Những cán bộ này đã trở thành lực lượng nòng cốt trong việc triển khai các hoạt động SHCN tại Việt Nam trong những năm tiếp theo. Thông qua những nỗ lực này, một mạng lưới cán bộ chuyên trách về sáng kiến và SHCN ở các bộ, ngành, địa phương đã được hình thành khắp cả nước. Nhờ vậy, những chính sách và cơ chế mới về SHCN do Cục triển khai đã được lan tỏa rộng khắp và đi vào cuộc sống

Công tác tiếp nhận, xử lý đơn SHCN

Trong giai đoạn từ khi thành lập đến hết năm 1993, Cục đã tiếp nhận: 984 đơn đăng ký sáng chế (người nộp đơn Việt Nam: 674, người nộp đơn nước ngoài: 310) và cấp 173 Bằng sáng chế (Việt Nam: 121, nước ngoài: 52); 233 đơn đăng ký giải pháp hữu ích (Việt Nam: 186, nước ngoài: 47) và cấp 102 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích (Việt Nam: 99, nước ngoài: 3); 2.322 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (Việt Nam: 2.242, nước ngoài: 80) và cấp 1.326 Giấy chứng nhận kiểu dáng công nghiệp (Việt Nam: 1.285, nước ngoài: 41)... Việc thừa nhận Công ước Paris về bảo hộ quyền SHCN 1883 (kế thừa sau 1975), Công ước Stockholm về thành lập WIPO (Công ước WIPO - 1976), Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu 1891 (kế thừa 1976) tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế về SHCN. Thông qua Văn phòng quốc tế của Thỏa ước Madrid, chỉ tính riêng trong năm 1983 đã chấp nhận cho đăng ký vào Việt Nam 2.972 nhãn hiệu hàng hóa quốc tế (trong đó có 1.097 đăng ký mới, 1.847 gia hạn hiệu lực và 328 yêu cầu mở rộng lãnh thổ). Năm 1992 số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tăng đột biến (4.617 đơn so với 2.360 đơn của năm 1991). Nhãn hiệu đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam đã được đăng ký ở nước ngoài thông qua Thỏa ước Madrid là “Seaprodex”.

Với mục tiêu đa phương hóa các hoạt động SHCN và đặt nền tảng cho những hoạt động SHTT tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã mời Tổng giám đốc WIPO Arpad Bogsch sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 12/1984. Sự kiện này cũng thể hiện tầm nhìn của Cục trong việc thiết lập và mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế nhận được sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với lĩnh vực SHTT. Sau những nỗ lực này, nhiều hoạt động hợp tác và trao đổi về chuyên môn ở tầm quốc gia và quốc tế đã được tổ chức, trong đó đáng chú ý như: hội thảo về thông tin sáng chế cho cán bộ Việt Nam và Lào do Cục và WIPO tổ chức; Kỳ họp lần thứ 26 Hội nghị lãnh đạo Cơ quan sáng chế các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế (tháng 12/1985)... Một trong số những hiệu quả mà các hoạt động mở rộng hợp tác quốc tế mang lại là Cục có được kho tư liệu thông tin sáng chế với 11 triệu bản mô tả sáng chế của 18 quốc gia và hai tổ chức quốc tế, hàng chục nghìn công báo về sáng chế của các quốc gia trên thế giới. Hàng triệu thư mục sáng chế của 52 quốc gia đã được xây dựng và đưa vào sử dụng...

Có thể nói, tất cả những thành công sau này ở nhiều lĩnh vực khác nhau của Cục đều bắt nguồn từ những ngày khởi đầu, bởi các hoạt động chuyên môn về xây dựng văn bản pháp luật; hoạt động SHCN… đều được định hướng và triển khai một cách bài bản, chắc chắn.

CT

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)