Hội nghị nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các bên liên quan về vai trò của kinh tế tuần hoàn đối với các mục tiêu phát triển trong ngành nông nghiệp; lan tỏa các thông điệp chính của Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/06/2024 của Thủ tướng Chính phủ); chia sẻ các mô hình thực hành tốt về kinh tế tuần hoàn; định hướng các ngành hàng nông nghiệp chủ lực và thị trường cho phát triển kinh tế tuần hoàn; tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi, từ đó kiến nghị các giải pháp về cơ chế và chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn...
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh và bền vững. Trên nguyên tắc tăng cường hợp tác quốc tế đa phương, phối hợp đa ngành, Thứ trưởng kêu gọi cộng đồng quốc tế, các bộ, ngành từ trung ương tới địa phương, khối tư nhân cùng chung tay hỗ trợ, thúc đẩy ngành nông nghiệp triển khai 10 mục tiêu, 6 nhiệm vụ về nông nghiệp tuần hoàn tại Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030, trong đó tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phát triển thị trường, xây dựng cơ chế, chính sách, tăng cường hợp tác quốc tế và truyền thông về nông nghiệp tuần hoàn.
Đối với sản xuất nông nghiệp, bà Ram-la Kha-li-di đề nghị có thể dựa vào khoa học, công nghệ và các thí điểm thành công đã có ở Việt Nam để thiết kế các hệ thống canh tác sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở cấp độ trang trại và dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng với sự tham gia của tất cả các bên như chế biến, vận chuyển, bán lẻ, qua đó thúc đẩy sự cung ứng có trách nhiệm từ trang trại đến bàn ăn.
Đại diện UNDP cũng đã giới thiệu những kết quả ban đầu thu được từ việc triển khai Bộ công cụ kinh tế tuần hoàn (NDC-CE). Bộ công cụ này được xây dựng nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc xác định, ưu tiên, triển khai và theo dõi các giải pháp nông nghiệp tuần hoàn. UNDP cũng tuyên bố nghiên cứu sắp tới của mình về chuỗi giá trị cà phê và lúa gạo phối hợp với một số viện nghiên cứu của Việt Nam để xây dựng các biện pháp tổng hợp mới cho chuỗi giá trị nông - thực phẩm tuần hoàn, phát thải carbon thấp.
Các bên cùng nhau nhất trí, cam kết thúc đẩy hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về nông nghiệp tuần hoàn, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải bằng 0 của quốc gia. Sau Hội nghị, các bên sẽ chủ động gặp gỡ để đề xuất và triển khai các hoạt động cụ thể trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp.
VH