Thứ sáu, 26/04/2024 18:38

Nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong tái chế, xử lý rác thải

Để phổ biến, tập huấn, giải đáp và hỗ trợ các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện và tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật, Ngày 26/04/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tập huấn quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR).

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ TN&MT) cho biết: Việt Nam tuy là quốc gia đang phát triển, nhưng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới vấn đề môi trường, trong đó có vấn đề thu gom, tái chế, xử lý chất thải. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020, hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 của Quốc hội cùng với các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu và quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (Điều 54) và quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Điều 55).

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động, tích cực thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về thu gom, tái chế và xử ký chất thải. Bộ TN&MT đánh giá cao và biểu dương các doanh nghiệp đã thực hiện tốt. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng các quy định do các doanh nghiệp chưa biết hoặc chưa nắm rõ các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu. Do đó, Hội thảo được tổ chức để nâng cao trách nhiệm cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, Chính sách EPR của Việt Nam có hiệu lực cách đây hơn 2 năm với mục tiêu bao trùm là áp dụng cách tiếp cận có hệ thống để quản lý chất thải, thúc đẩy các nỗ lực tái chế và thúc đẩy các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững. Quy định này thống nhất với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (UN SDGs). Hiện nay, trên thế giới có 20 triệu lao động phi chính thức hoạt động trong lĩnh vực rác thải, chịu trách nhiệm khoảng 60% lượng rác thải nhựa được thu gom và tái chế. Đây vẫn là nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất trong xã hội. Tại Việt Nam, lực lượng lao động xử lý rác thải không chính thức, trong đó phụ nữ chiếm tới 90%. Ông hy vọng, tất cả các nhà sản xuất và nhập khẩu tham gia hội thảo tập huấn đều được trang bị hiểu biết toàn diện về các nguyên tắc EPR, áp dụng EPR vào thực tế cùng các thông cập nhật nhất về quy định này. Hội thảo cũng mang đến cơ hội cho những người tham gia chia sẻ các biện pháp thực hiện tốt nhất, giải quyết được các vướng mắc và xây dựng được chiến lược gắn nghĩa vụ thực hiện EPR với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Tại Hội thảo, đại diện Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia đã chia sẻ, giới thiệu chi tiết các quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; hướng dẫn đăng ký, kê khai, báo cáo việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và kê khai trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia đang được vận hành. Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT và Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia đã trực tiếp trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi của các hiệp hội và doanh nghiệp liên quan đến trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

 PT

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)