Nhu cầu da thuộc cho ngành công nghiệp ô tô
Da thật là vật liệu đắt tiền nhất trong số các loại vật liệu được sử dụng trong ngành ô tô để bọc ghế và các chi tiết nội thất (trần xe, vách cửa, vô lăng, cần số...) nhằm tăng tính thẩm mỹ, tiện nghi của nội thất xe. Ở trong nước, nhu cầu đối với sản phẩm da thuộc dùng trong nội thất xe ô tô nói riêng và ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô rất lớn. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa đối với các dòng xe ô tô, đặc biệt là xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm trong nền kinh tế của đất nước, ngành công nghiệp da giầy của nước ta hàng năm đều đem về hàng chục tỷ USD xuất khẩu và tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh những thuận lợi khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do của thế giới, nền kinh tế của Việt Nam đòi hỏi phải đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để có thể hưởng các ưu đãi khi các hiệp định có hiệu lực. Đối với lĩnh vực da giầy, phát triển và nâng cao chất lượng ngành công nghiệp thuộc da được coi là ưu tiên hàng đầu.
Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô Việt Nam vẫn còn kém phát triển cả về số lượng, năng lực, số lượng chủng loại và chất lượng sản phẩm. Da thuộc là một trong số các loại vật liệu được dùng phổ biến không chỉ trên các chi tiết (trần xe, vách cửa, vô lăng, cần số,…), mà còn được sử dụng để bọc ghế bên trong ô tô. Mặc dù da thuộc chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị của các sản phẩm thời trang (giầy dép, túi ví, nội thất trong nhà,...). Tuy nhiên, sản xuất da thuộc dùng trong nội thất ô tô rất hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, phần lớn đều được nhập khẩu từ nước ngoài.
Vì vậy, việc phát triển công nghệ sản xuất da bọc ghế ô tô chất lượng từ nguồn da nguyên liệu trong nước, góp phần cung ứng và tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên vật liệu da thuộc trong nước và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn của ngành da giày, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất da bọc ghế ô tô nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung là hết sức cần thiết.
Hoàn thiện công nghệ thuộc da sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước
Trước thực tế trên, Viện Nghiên cứu Da - Giầy đã đề xuất và được Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thuộc da sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để tạo ra sản phẩm da bọc nội thất ô tô và sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ để nâng cao khả năng nội địa hóa sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô”. Sau 2 năm triển khai (2022-2023), các nhà khoa học của Viện đã thiết lập, thử nghiệm, hiệu chỉnh và hoàn thiện công nghệ; đồng thời sản xuất thử nghiệm tạo ra sản phẩm da thuộc đạt yêu cầu về chất lượng, tính thẩm mỹ dùng trong nội thất xe ô tô bằng ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường.
Về chất lượng da thành phẩm: da bọc nội thất ô tô được phân tích, kiểm tra một số chỉ tiêu về độ bền da thuộc: độ bền xé, độ bền uốn gấp, độ bám dính màng trau chuốt, độ bền màu với các chu kỳ chà xát qua lại, độ bền màu với ánh sáng, độ ẩm, độ pH, hàm lượng crom VI, hàm lượng formaldehyde... đều đảm bảo các yêu cầu theo các tiêu chuẩn TCVN của Việt Nam.
Về mặt cảm quan: da thành phẩm có độ mềm dẻo, độ đầy, chắc và có độ tự nhiên cần thiết. Bề mặt trau chuốt của da thành phẩm có màu sắc đồng đều, cảm giác tay tốt.
Về chất lượng sản phẩm: kết quả phân tích một số chỉ tiêu cơ lý của da thành phẩm cho thấy: da thành phẩm đạt yêu cầu về các chỉ tiêu chất lượng; hàm lượng độ ẩm, hàm lượng oxit crom (Cr2O3) trong da và pH của da thành phẩm đạt giá trị tiêu chuẩn; da thành phẩm không có chứa Crom (VI) - tác nhân độc hại, gây nguy hiểm tới sức khỏe con người và môi trường; hàm lượng các chất có khả năng gây ô nhiễm môi trường (hàm lượng chất béo, hàm lượng formaldehyde trong da, hàm lượng thuốc nhuộm azo bị cấm) ở ngưỡng an toàn theo tiêu chuẩn, không gây độc hại tới môi trường.
Công nghệ thuộc da dùng trong nội thất ô tô là công nghệ mới với nhiều ưu điểm, mang tính tiên tiến và hiện đại, có khả năng áp dụng tốt vào thực tiễn; giúp các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa da thuộc trong nước, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ nguyên vật liệu trong sản phẩm da - giầy xuất khẩu theo các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia; đồng thời góp phần giải quyết bài toán về nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng cho ngành thuộc da, phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên vật liệu nói chung và da thuộc chất lượng cao nói riêng, cũng như giúp cải thiện về môi trường và sức khỏe con người.
Phong Vũ - Vũ Hà