Thứ sáu, 19/01/2024 15:54

Giảm lãng phí trong sản xuất cho doanh nghiệp

Nằm trong Chương trình Quốc gia “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030”, Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Liên Thành đã kết hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) trong việc nâng cao nhận thức, kỹ năng về năng suất chất lượng (NSCL) cho doanh nghiệp.

Không ngừng cải thiện môi trường làm việc hướng đến an toàn tuyệt đối

Được sáng lập năm 1906, Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Liên Thành ngày nay là một cơ sở kinh doanh nhỏ trong lĩnh vực thủy sản tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đến nay, Công ty đã dần phát triển không chỉ ở khắp trong nước mà còn xuất khẩu ra các thị trường lớn như: EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Sản phẩm nước mắm của Công ty luôn giữ được tính chất truyền thống, thể hiện tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Mặc dù vậy, với mong muốn đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng về NSCL và môi trường cho toàn thể nhân viên, từng bước chuyên nghiệp hoá hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và cơ quan pháp luật, Công ty không ngừng cải thiện môi trường làm việc hướng đến an toàn tuyệt đối, không ô nhiễm, ngăn nắp, gọn gàng hơn, nhằm nâng cao hình ảnh của Công ty với đối tác, khách hàng, đồng thời tạo không gian làm việc thoải mái cho người lao động…

Do vậy, Ban Lãnh đạo Công ty Liên Thành đã phối hợp cùng QUATEST 3 nhằm nâng cao NSCL cho công ty.

Áp dụng các công cụ nâng cao NSCL

Để hiện thực các mục tiêu và mong muốn trên, Ban lãnh đạo Công ty cùng các chuyên gia NSCL của QUATEST 3 đã trao đổi và phối hợp thực hiện đánh giá hiện trạng Công ty thông qua đánh giá các trên tiêu chí xây dựng sẵn và nhận thấy hầu như quá trình của Công ty chỉ đạt ở mức độ 1. Đây chính là nguyên nhân gây trễ tiến độ cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; môi trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người lao động và cộng đồng.

Các vấn đề mà Công ty đang gặp phải là: diện tích nhà xưởng chật hẹp không có nhiều lựa chọn cho việc bố trí tối ưu, dòng chảy nguyên, vật liệu không liên tục dẫn đến phát sinh công đoạn thừa; sắp xếp mặt bằng sản xuất chưa tốt, còn tồn tại lãng phí tồn kho công đoạn và di chuyển; bố trí nhân lực trên dây chuyền sản xuất chưa cân đối, phát sinh lãng phí chờ đợi; môi trường làm việc của người lao động còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; các tình huống khẩn cấp và khía cạnh môi trường chưa được nhận diện ảnh hưởng tới hoạt động của Công ty và cộng đồng xung quanh. Ngoài ra, kiến thức và kỹ năng quản lý sản xuất của đội ngũ quản lý cấp trung rất hạn chế, nhất là kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng làm việc nhóm.

Qua đó, các chuyên gia QUATEST 3 và Lãnh đạo Công ty đã thống nhất áp dụng hệ thống quản lý ISO 14001:2015 tích hợp vào hệ thống quản lý hiện hành của Công ty theo ISO 9001:2015 và công cụ cải tiến NSCL (Kaizen). Kết quả triển khai thu được: i) về nhận thức: đội ngũ quản lý cấp trung của Công ty đã được trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý sản xuất: (Kaizen, cân bằng chuyền, kiểm soát quá trình bằng các công cụ thống kê); ii) về cải tiến các quá trình: Công ty xây dựng được hệ thống tài liệu theo ISO 14001:2015 cùng với việc áp dụng công cụ cải tiến NSCL vào các điều khoản hay nhóm điều khoản đã giúp các quá trình của Công ty được nâng lên.

Thiết lập trật tự hiện trường sản xuất trước cải tiến và sau cải tiến.

Sau khi áp dụng các hệ thống và công cụ nâng cao NSCL đã giúp Công ty giảm lãng phí trong sản xuất như: 1) Thao tác thừa: chuyển vật tư thùng carton (1.000 thùng) từ kho vật tư đến khu sản xuất cần 03 người mất 11 phút sau cải tiến còn 01 người tiết kiệm 10.000.000 đồng/tháng; 2) Công đoạn thừa: khi sử dụng chai, bình PET (100 bao) chuyển từ kho vật tư đến phòng chiết rót cần 06 người thời gian 22 phút sau cải tiến còn 03 người tiết kiệm 15.000.000 đồng/tháng; 3) Chờ đợi: cân bằng chuyền công đoạn chiết rót (sản phẩm nước mắm mặn nhãn vàng 600 ml), năng suất trước cải tiến 130 chai/người/giờ sau cải tiến 153 chai/người/giờ, năng suất tăng 12%; 4) Các tình huống khẩn cấp và khía cạnh môi trường được nhận diện giảm tác động tới hoạt động công ty và cộng đồng xung quanh… Nơi làm việc được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp hơn, hầu hết công cụ, dụng cụ, vật tư phục vụ sản xuất trong phân xưởng chưa có quy định nên việc sắp xếp theo kiểu tự phát, vì vậy thường mất nhiều thời gian cho kiểm đếm và không thuận lợi khi có nhu cầu sử dụng.

Thông qua Chương trình quốc gia “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030”, Ban lãnh đạo và quản lý Công ty đã nhận thấy sự thay đổi rõ rệt từng ngày trong một năm thực hiện, nhà xưởng ngăn nắp, gọn gàng hơn, các trật tự được thiết lập, hiện trường sản xuất tinh gọn. Nhờ sự thay đổi này, Ban lãnh đạo Công ty sẽ tiếp tục thực hiện tiếp các giải pháp này tại các khu vực khác trong Công ty.

KĐ&PV

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)