Thứ ba, 09/01/2024 16:42

Tiếp cận của EU đối với hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

“Cách tiếp cận của Liên minh châu Âu (EU) đối với hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Từ chiến lược đến thực tiễn” là dự án do Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (USSH) phối hợp với Viện Konrad - Adenauer - Stiftung Việt Nam (KSA) triển khai nghiên cứu. Mục tiêu của dự án là tìm hiểu về cách tiếp cận của EU trong hợp tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tác động đối với các nước trong khu vực.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực bao gồm nhiều đối tác quan trọng, toàn diện của EU và các nước thành viên. Kết luận của Hội đồng EU về Chiến lược hợp tác của EU trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được đưa ra vào tháng 04/2021 khẳng định, EU cần phải tăng cường sự hiện diện và các hành động trong khu vực này, góp phần vào sự ổn định, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững ở đây, dựa trên sự thúc đẩy dân chủ, luật pháp quốc gia và luật quốc tế.

Đại diện KAS làm việc với Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (tháng 11/2022) về tăng cường hợp tác trên lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa hai đơn vị.

Sự gia tăng mối quan tâm và hiện diện đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU và các quốc gia thành viên sẽ mang đến những thay đổi, ảnh hưởng đến cấu trúc an ninh và quan hệ quốc tế trong khu vực đang nhận được rất nhiều sự quan tâm này. Đây cũng là môi trường quan hệ quốc tế trực tiếp của Việt Nam, nơi chứa đựng những mối quan hệ chiến lược, các đối tác quan trọng nhất của nước ta. Vì vậy, nghiên cứu về quan hệ quốc tế trong khu vực nói chung và cách tiếp cận của các nước lớn, các thực thể quốc tế quan trọng như EU là điều vô cùng cần thiết. Nắm bắt những thay đổi nhanh chóng này, dự án nghiên cứu về "Cách tiếp cận của EU đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Từ chiến lược đến thực tiễn" đã được triển khai theo 3 giai đoạn và đạt được một số kết quả giá trị.

Giai đoạn đầu của nghiên cứu được hoàn tất vào năm 2021 và giai đoạn 2 hoàn thành vào năm 2022 đã cung cấp một bức tranh tương đối tổng thể về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU, quan điểm của một số nước thành viên và Pháp, Đức, Hà Lan, quan điểm ban đầu của một số chủ thể quan trọng trong khu vực và Việt Nam về chiến lược này. Sau sự bùng nổ của Đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt là cuộc xung đột ở Ukraine, tình hình an ninh, chính trị và kinh tế khu vực và thế giới đã có nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, triển vọng thực hiện chiến lược hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU gặp phải những khó khăn, thách thức nhất định và các quốc gia buộc phải có những điều chỉnh phù hợp. Do đó, giai đoạn 3 của nghiên cứu tập trung phân tích những tác động từ bối cảnh thay đổi đến chiến lược hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU và triển vọng hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, ngoại giao, kinh tế ở khu vực này.

Ông Florian Feyerabend - Trưởng Đại diện KAS Việt Nam cho biết, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở thành trung tâm địa chính trị hấp dẫn của thế kỷ XXI. Đây là một khu vực cách xa về mặt địa lý với EU. Nhưng đây là khu vực có tầm quan trọng cốt yếu đối với cả sự thịnh vượng và an ninh của EU. Chiến lược của EU đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thừa nhận tầm quan trọng địa chiến lược và địa chính trị của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Đông Nam Á nói riêng. Chiến lược cũng thừa nhận rằng, các nước trong khu vực từ chối lựa chọn, và do đó EU cung cấp các con đường hợp tác không dựa trên việc đứng về phía nào. Ông Florian Feyerabend tin rằng, Việt Nam rất hoan nghênh chiến lược của EU đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì nó mang lại cơ hội tăng cường quan hệ song phương giữa một bên là Việt Nam và một bên là EU, và do đó cũng tạo cơ hội cho Việt Nam bảo tồn quyền tự chủ chiến lược trong một môi trường địa chính trị đầy thách thức.

Thùy Dzung

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)