Tại Hội thảo, đại diện Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Bách khoa cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghệ bán dẫn, từ năm 1990 Trường Đại học Cần Thơ đã mở ngành kỹ thuật điện tử. Năm 2008, tiếp tục mở thêm các ngành đại học theo hướng chuyên sâu như ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, điện tử - viễn thông, kỹ thuật máy tính (hệ thống nhúng và thiết kế vi mạch)…
Việc Trường Bách khoa dự kiến mở chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn từ năm 2024 là dựa trên nhu cầu xã hội hiện đang cần nguồn nhân lực lĩnh vực này và Trường đảm bảo đủ nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, đáp ứng yêu cầu về chất lượng đào tạo ngành công nghiệp này.
Theo đó, chương trình đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn có thời gian đào tạo 4,5 năm, với 161 tín chỉ, gồm các kiến thức bao gồm: giáo dục đại cương, cơ sở ngành, chuyên ngành thông qua việc trang bị cho người học các kiến thức về vật liệu và linh kiện bán dẫn, mạch điện tử, kỹ năng lập trình và thiết kế vi mạch phục vụ công việc thiết kế và kiểm thử vi mạch bán dẫn…
Tại hội thảo, đại diện các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong việc hoàn thiện chương trình đào tạo, làm căn cứ giúp Trường Đại học Cần Thơ thực hiện mở ngành đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn theo đúng quy định.
Minh Đức