Thứ hai, 11/12/2023 16:22

Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia để sản xuất chất chuẩn

Vừa qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đã tổ chức hội thảo “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) trong lĩnh vực chất chuẩn và sản xuất chất chuẩn”. Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN (ARISE Plus) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.

Vụ trưởng Vụ Đo lường (TĐC) Trần Quý Giầu phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ Đo lường (TĐC) Trần Quý Giầu cho biết, trong NQI, chất chuẩn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đo lường, đánh giá sự phù hợp và tham gia sâu rộng vào hoạt động của nền kinh tế từ nghiên cứu khoa học, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn thực phẩm, y tế và bảo vệ môi trường. Hiểu được vai trò quan trọng này, các nước phát triển đã đầu tư và sản xuất được nhiều loại chất chuẩn, đa số về môi trường và thực phẩm. Ví dụ, tại Hàn Quốc hiện có khoảng 530 chất chuẩn và 529 năng lực đo và hiệu chuẩn (CMC) liên quan, Trung Quốc có khoảng 2.300 chất chuẩn và 1061 CMC liên quan. Để quản lý và định hướng sản xuất tốt, cần phát triển NQI trong lĩnh vực chất chuẩn và sản xuất chất chuẩn. NQI bao gồm các tổ chức (công và tư), hệ thống chính sách, pháp luật liên quan, khung pháp lý quy định các quy trình hỗ trợ nâng cao chất lượng, tạo môi trường minh bạch, an toàn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và quá trình.

Tại hội thảo, đại diện Viện Đo lường Việt Nam Phạm Anh Tuấn chia sẻ, ngày nay, các Viện đo lường trên thế giới đều quan tâm đến nghiên cứu và tự chủ sản xuất chất chuẩn phục vụ các lĩnh vực như giám sát môi trường, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, chẩn đoán trong y tế. Chất chuẩn có vai trò rất lớn đối với nhiều ngành nghề, lĩnh vực nghiên cứu, là cơ sở kỹ thuật quan trọng nhất giúp đảm bảo tính thống nhất, độ chính xác và tính tin cậy của tất cả phép đo, cũng như đảm bảo tính liên kết chuẩn cần thiết trong đo lường hóa học trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Chất chuẩn phải qua quy trình kiểm nghiệm nghiêm ngặt, cụ thể là phải có giấy chứng nhận được công bố bởi cơ quan có thẩm quyền và cung cấp một hay một số giá trị đặc tính xác định với độ không đảm bảo, tính liên kết chuẩn kèm theo và các thủ tục sử dụng phải còn hiệu lực.

Chất chuẩn được sản xuất phải bảo đảm tuân thủ yêu cầu đối với chuẩn đo lường quy định tại Luật Đo lường; bảo đảm độ đồng nhất, độ ổn định và giá trị thuộc tính của chất chuẩn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được công bố hoặc quy định; phải được xác nhận giá trị thuộc tính của chất chuẩn cùng với độ không đảm bảo đo của giá trị thuộc tính này. Việc xác nhận giá trị thuộc tính của chất chuẩn phải được thực hiện thông qua thử nghiệm hoặc so sánh tại tổ chức thử nghiệm.

Theo phân tích của các chuyên gia, hiện đa phần chất chuẩn chất chuẩn đều được Việt Nam nhập từ nước ngoài với giá cao, thời hạn sử dụng không dài gây thất thoát, lãng phí ngân sách. Vì vây, việc nghiên cứu, chế tạo các chất chuẩn được chứng nhận là nhu cầu cấp thiết khi nhu cầu sử dụng chất chuẩn của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… ngày càng lớn. Việc tự chủ được các chất chuẩn trong nước sẽ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đáng kể cho các đơn vị.

Hiện nay, Việt Nam đã có các tổ chức quan tâm nghiên cứu chế tạo các loại chất chuẩn phục vụ đo lường hóa học như: Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia đối với lĩnh vực kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đối với lĩnh vực kiểm soát chất lượng dược phẩm…

KĐ&NA

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)