Thứ năm, 07/12/2023 11:23

Nhiều sáng kiến và giải pháp nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu được đề xuất

Hưởng ứng Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) mới đây tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Hội đồng Kinh doanh Canada - ASEAN (CABC), Hội đồng Kinh doanh châu Âu - ASEAN (EU-ABC), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ABC) và Hiệp hội CropLife châu Á đã tổ chức chuỗi sự kiện “Lộ trình lương thực và nông nghiệp ASEAN hướng tới COP28” bao gồm các cuộc đối thoại giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị thực phẩm của quốc gia và khu vực. Sự kiện được tổ chức trực tiếp tại Thái Lan và trực tuyến tại Việt Nam. Đây là năm thứ hai liên tiếp chuỗi tọa đàm về hành động vì khí hậu này được tổ chức.

Trong các buổi toạ đàm thuộc chuỗi sự kiện, các bên liên quan đã cùng thảo luận và đề xuất một loạt các sáng kiến, phương pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chuỗi cung ứng và sản xuất lương thực trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm: tập huấn và nâng cao năng lực cho nông dân về các biện pháp thích ứng với khí hậu và nông nghiệp thông minh với khí hậu, bao gồm việc sử dụng các cải tiến và công nghệ mới; củng cố các nhóm nông dân và hợp tác xã hiện có để họ có thể tận dụng tốt hơn các tiến bộ công nghệ khác nhau; phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để cải thiện khả năng tiếp cận thông tin của nông dân và tối ưu hóa sản xuất của họ; các quy định cần có sự cân bằng, phù hợp để thúc đẩy việc sử dụng công nghệ có trách nhiệm, hướng tới sản xuất cây trồng an toàn và chất lượng; thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác giữa các bên liên quan nhằm giảm phát thải khí nhà kính và ngăn chặn những thách thức về khí hậu trở nên tồi tệ hơn; thúc đẩy quản lý chất thải tốt hơn trên đồng ruộng để duy trì chất lượng đất. Các khuyến nghị này đã được chuyển sang Mạng lưới chống chịu khí hậu khu vực châu Á (ASEAN-CRN) như một phần đề xuất của Nhóm đàm phán ASEAN để chuẩn bị cho quá trình thảo luận liên quan đến nông nghiệp tại COP28.

Theo Báo cáo về Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới (SOFI) năm 2023, ước tính có 691-783 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói và châu Á là khu vực có tỷ lệ người dân chịu đói cao nhất, chiếm hơn một nửa (55%) con số đó. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang hạn chế khả năng sản xuất các loại cây trồng an toàn và bổ dưỡng cần thiết của nông dân sản xuất nhỏ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực. Vào tháng 05/2023, nhiều vùng ở Đông Nam Á đã ghi nhận mức nhiệt độ cao được cho là “200 năm mới có một lần”. Nhiệt độ cao có thể gây nên những tác động tàn phá đến cây trồng, vật nuôi và năng suất nông nghiệp, vì nó có thể dẫn đến giảm nguồn nước, gia tăng bốc hơi và nguy cơ hạn hán cao hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng và sức khỏe vật nuôi. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã dự đoán đến năm 2050, biến đổi khí hậu có thể làm giảm năng suất cây trồng toàn cầu từ 5 đến 30%.

Với Hội nghị COP28 tại Dubai vừa qua quy tụ các đại biểu chính phủ các nước với mục tiêu cùng nhau thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, nhu cầu diễn thuyết và thảo luận xung quanh việc trang bị cho nông dân kiến thức và thực hành phù hợp để thích ứng với những thách thức liên quan đến khí hậu nhằm hỗ trợ sản xuất lương thực lúc này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)