Thứ năm, 30/11/2023 15:51

Phát triển thành phố thông minh là quá trình liên tục và lâu dài

Phát triển đô thị thông minh là một quá trình liên tục và lâu dài, do đó cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện với cách tiếp cận tổng thể, không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tại hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023 (Vietnam - Asia Smart City Summit 2023).

Hội nghị do sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp tổ chức trong 2 ngày từ 29-30/11/2023 với nhiều hoạt động như: hội thảo chuyên đề; triển lãm các thành tựu và giải pháp chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh của doanh nghiệp, tổ chức; các hoạt động kết nối hợp tác, tư vấn triển khai thành phố thông minh…

Sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, tính đến nay Việt Nam đã có 48 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh, hơn 40 địa phương đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh, và gần 100 IOC cấp huyện. Các tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: giao thông thông minh (giám sát trật tự, an toàn giao thông); y tế thông minh; giáo dục thông minh; phát triển các ứng dụng cảnh báo.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, phát triển đô thị thông minh là một quá trình liên tục và lâu dài, do đó cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện với cách tiếp cận tổng thể, không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ. Cũng giống như chuyển đổi số, đô thị thông minh là sự thay đổi về tư duy và nhận thức nhiều hơn. Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, phát triển đô thị thông minh chính là chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị, nhưng tập trung vào giải quyết các vấn đề, bài toán lớn của đô thị. Và để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi xác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển thành phố. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ thêm, cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu là một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác. Một hạ tầng thông tin mạnh, một hạ tầng dữ liệu tốt, thống nhất, an toàn là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong không gian đô thị thông minh.

Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023 được tổ chức với chủ đề “Khai thác dữ liệu - Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững”. Chương trình hội nghị gồm 9 hội thảo, chia làm 3 tuyến chuyên đề: (1) Chính quyền, người dân và doanh nghiệp; (2) Công nghệ, dữ liệu và kết nối; (3) Hợp tác và phát triển. Hướng tới thúc đẩy hợp tác và phát triển công nghệ, phát triển các giải pháp giúp giải quyết các bài toán cụ thể, cấp thiết của các đô thị. Tại đây, nhiều kinh nghiệm hợp tác khai thác dữ liệu số, cơ chế thực thi của các đô thị như Jakata (Indonesia), Huế, Đà Nẵng, cũng như từ các đơn vị tư vấn triển khai như: Viettel, VNPT, FPT... đã được chia sẻ. Các nền tảng, giải pháp thông minh đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế giới thiệu tại hội nghị như: nền tảng Cloud, giải pháp 5G, sản phẩm AIoT, trợ lý ảo, AI trong y tế, giao thông, di chuyển thông minh đã được giới thiệu.

Xuân Bình

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)