Việt Nam học với tư cách là một ngành đào tạo tại một số trường đại học đến nay đã được gần 3 thập niên, trong quá trình phát triển, tự bản thân nó đã đòi hỏi sự giao lưu, đối thoại và hội nhập. Với đối tượng nghiên cứu là đất nước, con người, xã hội, văn hoá Việt Nam, các học giả, nhà chuyên môn và đặc biệt là các cơ sở đào tạo Việt Nam học trong cả nước đều mong muốn được trao đổi, bàn thảo về công tác đào tạo, nghiên cứu Việt Nam học theo định hướng liên ngành. Hội thảo đã tuyển chọn 66 bài trong 72 bài viết từ các nhà nghiên cứu của các cơ sở đào tạo Việt Nam học và các ngành liên quan. Các tham luận đã đề cập những vấn đề xoay quanh chủ đề của hội thảo, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực chính: nghiên cứu Việt Nam học phục vụ đào tạo theo định hướng liên ngành; đào tạo Việt Nam học tại các trường đại học; các vấn đề Việt ngữ học và phương pháp dạy tiếng Việt. Nội dung của các bài tham luận cho thấy, nghiên cứu và đào tạo Việt Nam không những cấp thiết, mà còn là triển vọng trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày nay.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV nhấn mạnh, hội thảo là diễn đàn khoa học ý nghĩa nhằm kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực Việt Nam học của 4 trường đại học đồng tổ chức cũng như trong cộng đồng nghiên cứu, đào tạo về Việt Nam học trong cả nước. Các nội dung được thảo luận tại hội thảo sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng ở các lĩnh vực khác nhau trên cơ sở thế mạnh của từng trường đại học, hướng tới phối hợp thực hiện các chương trình, đề án, đề tài khoa học về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có những hội nghị chuyên đề trao đổi thống nhất về quan niệm nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học, trong đó phải coi Việt Nam học theo định hướng liên ngành là yêu cầu phát triển của Việt Nam học hiện đại, xác định những nội dung cốt lõi và những phương pháp chủ đạo của Việt Nam học, tiến tới hoàn thiện khung chương trình chuẩn đào tạo cử nhân Việt Nam học cho cả sinh viên Việt Nam và quốc tế, làm cơ sở khắc phục tình trạng đào tạo Việt Nam học tràn lan và có phần tùy tiện của khá nhiều cơ sở đào tạo hiện nay.
Thùy Dung