Thứ sáu, 04/08/2023 09:53

Thúc đẩy tăng cường hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn hóa trong ngành Halal

Ngày 02/08/2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đã có buổi làm việc với đại diện Trung tâm Halal Việt Nam về các nội dung liên quan đến định hướng phát triển ngành Halal* nói chung và lĩnh vực tiêu chuẩn hóa trong ngành Halal nói riêng.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng phụ trách TĐC Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, điểm mấu chốt là cần phát triển công nghiệp Halal của Việt Nam hướng tới thị trường xuất khẩu có tiềm năng, tăng doanh số xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam được chứng nhận Halal. Tuy nhiên, các nước Hồi giáo có những yêu cầu khác nhau đối với việc xin cấp và cấp chứng nhận Halal nên trọng tâm hiện nay là tập trung vào xây dựng hệ thống chứng nhận của Việt Nam cho sản phẩm Halal, được thừa nhận và chỉ định từ các quốc gia Hồi giáo. Tiến tới hội nhập với thị trường Halal trên thế giới theo định hướng từ Chính phủ, thời gian tới cần triển khai những hoạt động cụ thể như: nghiên cứu thể chế hóa để quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp về Halal; thúc đẩy hợp tác quốc tế với các nước như Malaysia, Indonesia, UAE, Saudi Arabia, Iran… để trao đổi thông tin và ký kết các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) giữa các đơn vị thuộc TĐC và các tổ chức chứng nhận của các nước; học tập kinh nghiệm của các quốc gia phi Hồi giáo như Hàn Quốc năm 2013 hợp tác với JAKIM của Malaysia để công nhận Trung tâm Chứng nhận Halal của Hàn Quốc - Korean Muslim Federation (KMF); Singapore, Philippines và Thái Lan ký thỏa thuận với các Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để tăng cường trao đổi thông tin, cấp chứng nhận Halal…; nghiên cứu hợp tác với Viện Tiêu chuẩn và Đo lường dành cho các nước Hồi giáo; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sản phẩm/dịch vụ Halal, chứng nhận Halal…

Trong khuôn khổ buổi làm việc, ông Ramlan Osman người đồng sáng lập Trung tâm Halal Việt Nam chia sẻ, Halal là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam, mặc dù không phải quốc gia Hồi giáo, nhưng Việt Nam có nhiều lợi thế do có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm và du lịch. Qua đó, việc sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng sang cả thị trường phi Hồi giáo do sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm cho thấy, một số quốc gia có nền công nghiệp Halal phát triển trên thế giới không phải là các quốc gia Hồi giáo, chẳng hạn như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines…

Ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Tổng cục TĐC) giới thiệu về hoạt động chứng nhận trong buổi làm việc với ông Ramlan Osman.

Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam quan tâm và định hướng phát triển công nghiệp Halal, huy động nguồn lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu, TĐC tích cực tham gia tập trung nghiên cứu xây dựng thể chế để phát triển các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ Halal.

Tới nay, Việt Nam đã ban hành 4 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) trong lĩnh vực Halal (Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung; Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; Thức ăn chăn nuôi Halal; Thực phẩm Halal - Yêu cầu đối với giết mổ động vật) và hiện đang trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt TCVN 13888 - Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm Halal. Các tiêu chuẩn được xây dựng trên cơ sở hài hòa với tiêu chuẩn phổ biến như: Tiêu chuẩn Malaysia MS 1500:2019 Halal Food - Yêu cầu chung, GSO 2215:2012, Thực hành nông nghiệp tốt (Tiêu chuẩn khu vực vùng Vịnh), UAE.S 2055 -1:2015 sản phẩm Halal - Phần 1 - Yêu cầu chung đối với thực phẩm Halal (Tiêu chuẩn Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất).

*Công nghiệp Halal là ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người theo Đạo Hồi.

 

Hương Giang

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)