Toàn cảnh hội thảo "Tăng cường công tác điều phối và chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực, mua bán".
Mua, bán người luôn là vấn đề nóng, không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Theo thông tin từ Bộ Công an, từ năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận và xác minh 8.112 nạn nhân mua, bán người. Đồng thời, theo báo cáo về tình trạng mua, bán người toàn cầu của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc năm 2018, cứ 10 nạn nhân được phát hiện thì có 7 nạn nhân là nữ (trong đó có 5 phụ nữ và 2 trẻ em gái). Đối mặt với tình hình trên, Hội LHPNVN từ lâu đã ban hành quy định và hướng dẫn cho các cấp tham gia vào việc giải quyết các vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, Hội cũng tăng cường sự phối hợp thông qua việc ký kết và thực hiện hiệu quả các nghị quyết liên tịch và chương trình phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em, tập trung vào công tác tuyên truyền và vận động nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng về bạo lực giới, buôn bán phụ nữ, cũng như các vấn đề nổi cộm khác.
Bên cạnh những nỗ lực đã được công nhận, công tác phòng, chống bạo lực và mua, bán đối với phụ nữ vẫn đang gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ vẫn thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực này. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, mua, bán đối với phụ nữ chưa được chặt chẽ. Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPNVN cho biết, điều này xuất phát từ những khó khăn trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực và buôn bán người. Hiện nay, Hội LHPNVN đã phối hợp với UNWomen để tiến hành khảo sát và đánh giá về tình hình di cư lao động tại các địa phương, phân tích các vấn đề và nguy cơ liên quan, cũng như khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ hỗ trợ trong quá trình di cư của họ... Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết phụ nữ di cư lao động nước ngoài tham gia khảo sát mong muốn được học các kiến thức về văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, quy định luật pháp của đất nước mà họ đến, cũng như các kỹ năng phòng, tránh xâm hại, bạo lực và cách liên hệ với chính quyền, cơ quan và tổ chức khi xảy ra sự việc.
Hiện nay, tại các địa phương, 100% các trường hợp nạn nhân trở về đều nhận được hỗ trợ như cung cấp nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội, trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về nơi cư trú. Bên cạnh đó, các nạn nhân được hỗ trợ về pháp lý như làm các thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân, giấy khai sinh… Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ nạn nhân vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa phù hợp với thực tiễn. Chính vì thế, Hội LHPNVN và UNWomen đang triển khai phối hợp xây dựng "Hướng dẫn quy trình và cách thức (SOP) hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực và mua bán người" dành cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp. Theo bà Caroline Nyamayemombe - Quyền Trưởng đại diện UNWomen tại Việt Nam, đây là một phần trong nỗ lực chung của UNWomen và hội LHPNVN nhằm tăng cường di cư lao động an toàn cho phụ nữ Việt Nam được Liên minh Châu Âu hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình khu vực: An toàn và Bình đẳng: Hiện thực hóa các quyền và cơ hội của lao động nữ di cư trong khu vực ASEAN.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, quy trình và cách thức hỗ trợ phù hợp để nâng cao chất lượng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của các hành vi bạo hành và mua bán người.
Chiêu Dương