Thứ ba, 11/04/2023 10:01

Các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được thể hiện trong thực tiễn tố tụng dân sự Việt Nam

Tại hội thảo khoa học “Pháp luật tố tụng dân sự trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (CMCN 4.0) do Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp cùng Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) tổ chức ngày 08/04/2023, các đại biểu nhất trí cho rằng, các công nghệ của CMCN 4.0 đã được thể hiện trong thực tiễn tố tụng dân sự Việt Nam.

TS Nguyễn Bích Thảo - Chủ nhiệm Khoa dân sự, Trường Đại học Luật, ĐHQGHN cho biết, chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, dưới ảnh hưởng sâu rộng, mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó có pháp luật tố tụng dân sự đã có những bước phát triển mới, nhằm đáp ứng và thích ứng kịp thời với sự biến đổi của thời đại. Diễn biến mới này không chỉ thể hiện trong thực tiễn hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật tố tụng dân sự mà còn thể hiện ở thực tiễn tố tụng dân sự Việt Nam, chẳng hạn như việc triển khai nộp đơn khởi kiện, tống đạt văn bản tố tụng, giao nộp tài liệu, chứng cứ bằng phương thức điện tử; triển khai thí điểm xét xử trực tuyến; hòa giải trực tuyến; ứng dụng trợ lý ảo trong hoạt động xét xử của Tòa án…

Hội thảo là một diễn đàn học thuật mở để các nhà khoa học, các chuyên gia thảo luận, đưa ra những luận điểm khoa học, đánh giá thực trạng pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam và mức độ đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, đặc biệt là chỉ rõ những khó khăn, thách thức, bất cập khi ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 vào thực tiễn tố tụng dân sự Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp, kiến nghị. Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề về những tác động của CMCN 4.0 tới hệ thống tư pháp dân sự; thủ tục tố tụng trong bối cảnh CMCN 4.0; khởi kiện, lưu trữ chứng cứ điện tử; hòa giải điện tử; thi hành án dân sự; những vấn đề đặt ra khi triển khai tòa án điện tử trong thực tiễn: những vấn đề cần hoàn thiện…

VVH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)