Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) Trần Thiên Phúc phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) Trần Thiên Phúc cho biết, năng suất chất lượng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Tăng năng suất chính là phương thức phát triển bền vững của doanh nghiệp mà không nhất thiết phải tăng vốn, lao động... Chính phủ Việt Nam cũng đã có những quyết định mang tính cách mạng với mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng là mục tiêu chính của chương trình, cho thấy sự quan tâm của Chính phủ để tạo sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên trường quốc tế. Thông qua các hội thảo trên toàn quốc, Tổng cục TĐC đang cố gắng tạo nền tảng lý luận cho lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai.
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp phát biểu tại buổi hội thảo.
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, năng suất là một cụm từ nghe rất vĩ mô, xa vời, nhưng thực tế năng suất là việc của mỗi cá nhân và năng suất mang lại rất nhiều lợi ích cho cá nhân, tập thể. Năng suất không chỉ là đào tạo một môn học mà nó phải trở thành môn đạo đức học. Khi hiểu đúng, hiểu sâu về năng suất thì chúng ta sẽ thay đổi tư duy. Chẳng hạn, trước đây làm rất nhiều việc mất thời gian vô bổ, nhưng sau khi có kiến thức về năng suất thì lại trở nên dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả. Nếu người đứng đầu của một quốc gia không quan tâm đến năng suất thì rất khó đưa vào thực tiễn. Nếu một người lãnh đạo tại một trường đại học không quan tâm đến năng suất thì chúng ta khó đưa được năng suất này vào trong giảng đường. Nếu bản thân chúng ta không quan tâm đến năng suất thì không bao giờ chúng ta có tư duy năng suất. Chính vì vậy, cần phải thay đổi tính cách, thay đổi tư duy, thay đổi con người.
Tại buổi hội thảo, PGS.TS Phạm Ngọc Tuấn - Giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, năng suất đóng vai trò rất quan trọng đối với một quốc gia. Thế nhưng, ở nhiều trường đại học, công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo... chưa được đề cao và quan tâm nhiều đến năng suất, quản lý chất lượng. Do đó, điều cần làm ngay bây giờ là thay đổi tư duy trong năng suất. Tổ chức Lao động quốc tế cũng khẳng định, cần nâng cao năng suất doanh nghiệp. Qua đó, phải hiểu và đặt đúng vị trí của nó. Cần phải phổ biến rộng rãi các công cụ cải tiến năng suất. Năng suất cần trở thành một phong cách sống, phong cách suy nghĩ tư duy, phong cách làm việc, kể cả phong cách nghỉ ngơi giải trí sao cho hiệu quả…
Bùi Quý - Kim Thoa