Sen Đồng Tháp - tiềm năng thiên nhiên ban tặng
Cây sen Đồng Tháp từ lâu đã trở nên gần gũi và thân thiết với người dân, ngoài việc để trưng bày, trang trí thì cây sen còn được sử dụng rất nhiều trong ẩm thực, người ta sử dụng tất cả các bộ phận của sen từ lá, đọt sen, hạt sen, củ sen, ngó sen, nhụy sen…để chế biến ra những món ăn từ sen hay rượu sen. Đó là những nét đặc trưng văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng đất Sen Hồng. Không chỉ vậy, việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp về sen gắn với phát triển du lịch đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã có những hoạch định chiến lược để phát triển ngành hàng sen. Đó là việc xây dựng và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, trong đó sen là 1 trong 6 ngành hàng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Năm 2016, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt đề án: “Tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp giai đoạn 2017- 2020 và những năm tiếp theo” với mục tiêu là xây dựng hình ảnh chính quyền Đồng Tháp thân thiện và hiệu quả, dễ dàng nhận diện và làm nổi bật với các địa phương trong và ngoài nước, là nền tảng triển khai các sự kiện và kế hoạch truyền thông cho tỉnh, đưa Đồng Tháp trở thành điểm đến hấp dẫn, ưu tiên lựa chọn của khách du lịch trong nước và vươn lên top đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về tổng lượt khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Để thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ đầu tiên của Đề án là xây dựng thương hiệu “Đất Sen Hồng” với biểu tượng vui “Bé Sen” để đưa vào hệ thống nhận diện hình ảnh Đồng Tháp. Tháng 5/2022, Đồng Tháp đã tổ chức thành công “Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ nhất” nhằm tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa, kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ cây sen Đồng Tháp.
Tuy nhiên, cây sen Đồng Tháp vẫn chưa phát huy hết tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là việc sản xuất cây sen đều mang tính tự phát, nhỏ lẻ; bộ giống sen còn ít, chủ yếu là giống sen bản địa, truyền thống, chủng loại giống đơn điệu; công nghệ chế biến còn lạc hậu, chưa mang lại giá trị gia tăng cho cây sen….
Giải pháp nâng cao giá trị cây sen
Xuất phát từ những lý do trên, UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao cho Viện Nghiên cứu Rau quả thực hiện nhiệm vụ: “Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp” nhằm đạt được mục tiêu mà đề án đặt ra. Sau 12 tháng triển khai thực hiện nhiệm vụ (07/2021-07/2022), nhiệm vụ đạt được những mục tiêu đề ra, hoàn thành các nội dung nghiên cứu.
Phát triển sản phẩm sen theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Cây sen ở Đồng Tháp không chỉ được trồng để bán gương, ngó, giờ đây nó còn được đa dạng hóa với những sản phẩm từ tinh dầu sen, tơ sen... đến các dịch vụ như ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen, tạo chuỗi giá trị kinh tế cao. Những năm qua, địa phương đã gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch như: chủ đề “Vương quốc sen và văn hóa tâm linh” tại đồng sen huyện Tháp Mười; nhãn hiệu “Sen Tháp Mười”. Tổ chức giới thiệu, quảng bá, cung cấp các sản phẩm từ sen, phục vụ khách du lịch, thưởng thức ẩm thực từ sen bao gồm: rượu hồng sen tửu, sen sấy, trà tim sen, sữa sen, bột đậu nành hạt sen, bột đậu xanh hạt sen…, từ đó nâng cao chuỗi giá trị sen Đồng Tháp.
Hình thành các vùng sản xuất sen tập trung, ứng dụng công nghệ cao
Nhiệm vụ đã thí điểm một số mô hình sản xuất sen ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tốt, an toàn như sen - lúa (một vụ sen, một vụ lúa luân phiên); sen - cá (trồng sen quanh năm kết hợp khai thác cá tự nhiên); sen chuyên canh (trồng sen quanh năm); mô hình cộng đồng “Đồng sen Tháp Mười”…
Sưu tầm và chọn lọc một số giống sen mới, thích hợp với điều kiện tự nhiên
Nhiệm vụ đã đề xuất đưa bổ sung giống sen mới, có chất lượng cao, thích hợp phát triển tại Đồng Tháp để thay thế các giống sen cũ, năng suất chất lượng thấp, với những đặc điểm như: giống khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt (bệnh thán thư, bệnh thối ngó, sâu xanh và bọ trĩ); các giống với mục đích sử dụng nhất định, ví dụ giống chuyên lấy hoa, chuyên lấy hạt, chuyên lấy ngó, củ.
Phát triển các cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong bảo quản, chế biến các sản phẩm từ cây sen trên địa bàn tỉnh
Nhiệm vụ đã đưa ra đề xuất chính sách về phát triển liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất và phát triển chế biến sản phẩm từ cây sen; đề xuất hướng mô hình liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà để đưa các sản phẩm sen có chất lượng ra thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước, hướng tới xuất khẩu các sản phẩm sen của Đồng Tháp; đề xuất định hướng và giải pháp về thể chế, chính sách phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị.
Xây dựng và hình thành chỉ dẫn địa lý sản phẩm sen Đồng Tháp
Nhiệm vụ đã hoàn thành 1 báo cáo đánh giá hiện trạng trồng và phát triển sen Đồng Tháp, phục vụ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Sen Đồng Tháp” cho sản phẩm sen của tỉnh Đồng Tháp; hỗ trợ 1 chủ thể đủ năng lực, điều kiện đăng ký, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “sen Đồng Tháp”; 1 sản phẩm “sen Đồng Tháp” đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý; 1 hệ thống công cụ phục vụ quản lý, khai thác và phát triển và quảng bá chỉ dẫn địa lý “sen Đồng Tháp” cho sản phẩm sen của tỉnh Đồng Tháp
Xây dựng dự thảo đề án “Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến 2030”
Nhiệm vụ đã xây dựng được bản dự thảo đề án phát triển sản phẩm sen của Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến năm 2025 diện tích canh tác sen đạt 1.400 ha, chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá trị thu nhập có thể đạt 350-400 triệu đồng/ha/năm (tăng 80-150 triệu đồng/ha/năm so với hiện nay). Các hộ gia đình, cơ sở sản xuất tham gia trồng sen có mức tăng thu nhập 25-30% so với trước. Bình quân mỗi 1 ha sản xuất sen sẽ giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30-40 lao động, tương đương với việc sẽ có việc làm thường xuyên cho 10.000-20.000 lao động địa phương.
Với những kết quả đã đạt được, nhiệm vụ đã nêu được giá trị, ý nghĩa của cây sen cũng như những tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển cây sen ở Đồng Tháp…; xây dựng được bản đề án phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030 nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế từ sản phẩm sen, giúp phát triển tài nguyên bản địa, nâng cao giá trị biểu tượng, hình ảnh “sen hồng” của địa phương.