Chủ nhật, 25/12/2022 11:08

Nông nghiệp thông minh: Từ nông trại đến bàn ăn

“Nông nghiệp thông minh: Từ nông trại đến bàn ăn” là chủ đề của Hội thảo do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài  phối hợp với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt - Úc (Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ tổ chức tại Hà Nội vào ngày 6/1/2023. Hội thảo dự kiến được tổ chức trực tiếp và truyền thông qua nền tảng Zoom.

Trong bối cảnh nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam, đòi hỏi sự kết hợp nhiều yếu tố như vốn, công nghệ, chính sách hỗ trợ, chiến lược nông nghiệp thông minh đã được Chính phủ đề cập và khuyến khích phát triển. Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy việc áp dụng nông nghiệp thông minh tại Việt Nam cũng như góp phần vào thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thông qua hội thảo, Ban tổ chức mong muốn góp phần tăng cường kết nối, thảo luận giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh và phân phối sản phẩm nông nghiệp; thúc đẩy chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và cơ hội tiếp cận công nghệ về chuỗi nông nghiệp thông minh toàn diện, hiệu quả và bền vững được áp dụng thành công trên thế giới; xúc tiến các cơ hội hợp tác, đầu tư giữa các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, nhà đầu tư, ngân hàng, công ty khởi nghiệp và nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh và phân phối sản phẩm nông nghiệp; góp phần thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách phát triển nông nghiệp của Chính phủ.

Với những mục tiêu nêu trên, hội thảo hướng tới việc thúc đẩy xây dựng chuỗi sản xuất và phân phối nông nghiệp thông minh đảm bảo 3 tiêu chí: toàn diện, hiệu quả và bền vững. Theo đó, chuỗi sản xuất và phân phối nông nghiệp thông minh sẽ bao gồm 5 khâu chính: i) Chọn và cải tiến giống phù hợp với nhu cầu của thị trường; ii) Phân loại, chế biến và bảo quản nông sản; iii) Đóng gói, nhãn mác và chứng nhận tiêu chuẩn (VietGap, GlobalGap, truy xuất nguồn gốc nông sản); iv) Tài chính: huy động vốn với các đơn vị ngân hàng, bảo hiểm nông nghiệp; v) Logistic, phân phối. Do vậy, hội thảo sẽ tập trung thảo luận về: i) Quy trình sản xuất và phát triển nông nghiệp thông minh với 2 phiên thảo luận: “Ba công đoạn đầu tiên của chuỗi nông nghiệp thông minh” và “Hai công đoạn cuối cùng của chuỗi nông nghiệp thông minh”; ii) Thảo luận bàn tròn “Thực tiễn và giải pháp cho Chuỗi nông nghiệp thông minh toàn diện, hiệu quả và bền vững tại Việt Nam”; iii) Giao lưu, kết nối giữa đại diện các bộ/ngành, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, chuyên gia...

Tại hội thảo, các mô hình sản xuất hoặc sản phẩm tiêu biểu của các doanh nghiệp, đối tác được mời hoặc đăng ký tham dự sẽ được giới thiệu tại các gian hàng triển lãm. Các gian hàng triển lãm sẽ mở cửa đón khách tham quan trong suốt quá trình diễn ra hội thảo tại số 32 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hội thảo dự kiến có sự tham dự của lãnh đạo, đại diện của một số bộ/ngành như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao; đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu; các hiệp hội, doanh nghiệp, quỹ đầu tư cùng các chuyên gia và các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh tại Việt Nam.

Mạng luới đổi mới sáng tạo Việt Nam - Úc (Vietnam - Australia Innovation Network, viết tắt là NIC AU) được thành lập tháng 12/2019 và là thành viên độc lập của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIN), Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). NIC AU có sứ mệnh thúc đẩy, trao đổi đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ chủ yếu giữa Úc, Mỹ với các nước tiên tiến về nông nghiệp khác và Việt Nam. NIC AU thực hiện sứ mệnh của mình bằng cách kết nối các chuyên gia, tổ chức hàng đầu giàu kinh nghiệm về lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ, áp dụng cho các lĩnh vực liên quan đến chuỗi nông nghiệp với các bộ/ngành và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học…, để cùng nhau tìm ra các giải pháp hiệu quả cao, phát triển bền vững tuần hoàn nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của nền nông nghiệp và chuỗi cung cấp sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Ngoài ra, NIC AU còn là cầu nối hỗ trợ, cung cấp thông tin cập nhật, cùng các yêu cầu, nguyện vọng của các chuyên gia hàng đầu và các tổ chức nước ngoài đến Chính phủ Việt Nam để kịp thời cập nhật các chính sách đầu tư, định hướng phát triển từ phía Nhà nước đến các chuyên gia, doanh nghiệp và tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư trong và ngoài nước.

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)