Kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành (năm 2005) đến nay, bằng hình thức đăng ký trực tiếp, Việt Nam đã bảo hộ được 120 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 108 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, 12 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Đồng thời, Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, đặc biệt là các thị trường nhập khẩu nông sản lớn và thị trường cạnh tranh với Việt Nam, thông qua các Hiệp định thương mại tự do hoặc hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đã chứng minh được vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, việc thiếu dấu hiệu nhận biết chung cho các chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ ở Việt Nam dẫn đến một số khó khăn trong quá trình quản lý chỉ dẫn địa lý.
Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia.
Trước thực tiễn nêu trên, dự án “Thiết kế biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia” được Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết phải có một dấu hiệu nhận biết chung cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, hình thành một công cụ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hoàn thiện quy trình quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, quảng bá, giới thiệu chỉ dẫn địa lý đối với người tiêu dùng, gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm cung ứng ra thị trường. Với sự hỗ trợ của KIPO thông qua KIPA, đến nay, Dự án đã lựa chọn được mẫu biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia cho Việt Nam. Mẫu Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia đã chính thức được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và ban hành.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, việc xây dựng thành công biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam sẽ giúp nhà nhập khẩu và người tiêu dùng định vị được sản phẩm mang tính đại diện cho Việt Nam, giúp họ yên tâm về xuất xứ, chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp các tổ chức quản lý kiểm soát được số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường, giúp các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ dễ dàng phát hiện được các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam sẽ trở thành một dấu hiệu quan trọng để các cơ quan và tổ chức hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí, Việt Nam đặt mục tiêu: “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội...” và “chú trọng tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ”. Vì vậy, xây dựng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia - công cụ để quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà Việt Nam đã đề ra.
Toàn cảnh Hội nghị.
Theo các chuyên gia, để biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia có thể phát huy được hết vai trò như một công cụ để quản lý, kiểm soát và quảng bá…, cần có các chính sách cụ thể quy định về việc sử dụng biểu trưng này. Đó là, phải xây dựng được quy chế quản lý sử dụng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia; đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận đối với biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia tại Việt Nam; xác định được tổ chức đủ năng lực kiểm nghiệm và chứng nhận sản phẩm; cấp quyền sử dụng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia cho một số chủ thể; truyền thông tăng cường khả năng nhận biết biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia tại thị trường trong nước.
CM