Thứ ba, 01/11/2022 08:33

Hội nghị Giao ban Khoa học và công nghệ vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIV

Ngày 28/10/2022, tại Thừa Thiên Huế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIV năm 2022. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện chính sách KH&CN cũng như trao đổi về những vướng mắc còn tồn tại, với mục đích để KH&CN đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và của toàn vùng. Chủ trì Hội nghị có Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc các Sở KH&CN vùng Bắc Trung Bộ.

Nằm ở vị trí địa lý “đặc biệt quan trọng” trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của cả nước, 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đều có biển, đây là thế mạnh đặc biệt của vùng. Bên cạnh những thế mạnh về địa lý, vùng Bắc Trung Bộ còn có 1 Đại học vùng (Đại học Huế) thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia trở thành Trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cùng với các Đại học, Cao đẳng khác đóng trên địa bàn các tỉnh (Đại học Vinh, Đại học Hồng Đức, Đại học Quảng Bình…), mỗi năm đào tạo ra hàng nghìn nhân lực KH&CN trẻ có trình độ cao, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho sự phát triển KH&CN nói riêng và kinh tế-xã hội của cả vùng nói chung.

Theo báo cáo tổng kết của Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN trong giai đoạn 2018-2022, tổng chi đầu tư phát triển KH&CN cho 6 tỉnh trong vùng là 898,779 tỷ đồng. Nhiều cơ chế, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) được ban hành, đặc biệt là các văn bản liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Hiện toàn vùng đã có 132 tổ chức, doanh nghiệp KH&CN. Nhiều địa phương đã cân đối và bố trí nguồn kinh phí bằng hoặc cao hơn so với kinh phí Trung ương cân đối hàng năm. Điều này cho thấy, các địa phương dành sự quan tâm lớn cho các hoạt động KH,CN&ĐMST. Trong giai đoạn này, các địa phương trong vùng đã triển khai 95 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 663 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở. Các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển và nâng cao giá trị, nâng cao sức mạnh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương. Các nhiệm vụ sau khi kết thúc đều tạo ra được các sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao, đáp ứng được các mục tiêu đề ra, kết quả, sản phẩm có khả năng ứng dụng và nhân rộng cao, mang lại ý nghĩa thiết thực, phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 2018-2022, các Sở KH&CN đã đào tạo 80 đợt về sở hữu trí tuệ cho hơn 10 nghìn người; xác lập quyền sở hữu công nghiệp hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp 3.677 lượt.  Bên cạnh đó, các Sở KH&CN trong vùng cũng đã tiếp nhận công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy 940 tổ chức, cá nhân được công bố.

Ngoài việc đánh giá kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST của vùng và từng địa phương trong vùng giai đoạn 2018-2022, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai tại địa phương liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách chi cho đầu tư phát triển KH,CN&ĐMST, cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, phát triển thị trường KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo… Đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN cũng đã có những giải đáp ý kiến của các Sở KH&CN về các vấn đề có liên quan.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, để KH&CN thực sự trở thành động lực, nền tảng, quốc sách hàng đầu cho sự phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn để đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đầu tư tăng cường tiềm lực về nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính, thông tin KH&CN. Theo đó, cần có nhiều hơn doanh nghiệp ứng dụng KH&CN, doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện của một doanh nghiệp KH&CN để góp phần đưa nhanh nhất KH&CN vào cuộc sống. Thứ trưởng mong rằng, thời gian tới, hoạt động KH&CN trên địa bàn vùng tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của các Sở, ban, ngành nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN trên địa bàn vùng nói riêng và ngành KH&CN nước nhà nói chung. Đối với những đề xuất của các Sở KH&CN, Thứ trưởng khẳng định các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, với tinh thần chung của toàn ngành sẽ tìm cách tháo gỡ để kịp thời điều chỉnh góp phần đưa các chính sách KH&CN thực sự đi vào cuộc sống.

Xuân Bình

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)